Bỏ phố về quê - xu hướng sống tích cực của giới trẻ

Nguyễn Quý An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thêm một đứa bạn thông báo bỏ phố về quê làm ruộng, đám bạn chúng tôi lại xúm vào bình luận “cách đây 10 năm bố mẹ bán trâu cho mày lên phố học, giờ mày lại về quê bám đuôi trâu à?”.

Giới trẻ gần đây vẫn hay nghêu ngao câu hát “Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau/Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”. Nói vui với nhau vậy thôi, đâu phải ai cũng đủ dũng khí để bỏ phố về quê, đâu phải ai cũng có sẵn ruộng ao chờ về, và rồi còn bao nhiêu áp lực khác. Về quê, nghĩa là chúng ta chọn cách làm lại từ số 0 tròn trĩnh, mà chỉ rất ít người trẻ dám chọn. Và những người chọn bỏ phố về quê là những người yêu thích cuộc sống thiên nhiên, chọn làm bạn với thiên nhiên thay cho những nhộn nhịp xa hoa của phố thị.
Vượt qua những đàm tiếu, dị nghị của xóm làng
10 năm trước, khi nghe tin anh trai tôi muốn từ bỏ công việc phó phòng một viện nghiên cứu sinh học và cây trồng để về quê, bố mẹ tôi đã kiên quyết phản đối. Ông bà bảo rằng: “Tốn bao nhiêu tiền của nuôi mày ăn học, giờ làm được vị trí đó bao nhiêu người muốn không được, giờ mày đòi về quê trồng cây làm ruộng, rồi làng xóm người ta chê cười cho".
 Ảnh minh họa.
Thương bố mẹ, muốn giữ thể diện cho ông bà, thế là anh không về, anh vẫn tiếp tục làm việc tại viện nghiên cứu, nhưng anh thật sự muốn được làm vườn, muốn có mảnh vườn của riêng mình. Vài năm sau, anh mặc kệ, anh quyết định xin nghỉ việc để về quê, nghiên cứu và trồng các loại cây dược liệu để chưng cất tinh dầu; trồng các loại hoa...
Thời gian đầu vô cùng khó khăn, vì anh phải đi tìm những mảnh đất có thổ nhưỡng phù hợp để có thể trồng dược liệu. Mảnh đất 10 hecta năm trước anh nhắm trúng giờ đã không thể thuê được nữa, vậy là anh phải trồng cây trên những mảnh đất nhỏ rải rác khắp làng. Sau 2 năm, mọi thứ bắt đầu dần ổn định, anh đã biết được những loại cây nào thì nên trồng ở mảnh đất nào, vào mùa nào là thích hợp.
Cây cối bắt đầu có thể thu hoạch được sản lượng lớn đển chưng cất tinh dầu. Hai vợ chồng làm việc không xuể, anh thuê thêm những bà con nông dân quanh làng phụ chăm sóc cây. Những loại hoa và cây giống được anh mang đi phân phối khắp các tỉnh phía Bắc; tinh dầu của anh được phân phối đi toàn quốc cho người tiêu dùng và các DN mua về sử dụng trong công nghiệp sản xuất dược mỹ phẩm.
Những ngày đầu anh mới về, họ hàng rồi làng xóm có nói ra nói vào, người bảo anh dại, ngồi làm văn phòng máy lạnh mát phà phà không thích, lại bỏ về quê dầm mưa dãi nắng, chân lấm tay bùn như thế này. Anh bỏ ngoài tai, chỉ lo làm việc của mình, lo chăm cho đám cây tươi tốt. Giờ nhìn lại, cuộc sống gia đình anh luôn dư giả với mức thu nhập gấp nhiều lần làm văn phòng trước kia. Nhìn vào gia đình anh, nhiều người cả ở quê lẫn TP đều phải mơ ước.
Thi thoảng về quê ra thăm vườn, tôi lại nhấm nhỉ với anh “hay em bỏ phố về quê nhỉ, về trồng cây như này thích quá", anh bảo “cô thích thì về, quan trọng cô có chịu được cảnh nắng mưa, chân tay bùn đất không?”. Nghe xong tôi lại nhụt chí, đấy có phải muốn về quê mà được đâu, bạn phải có đủ đam mê để thấy nghiện mùi bùn đất, yêu nắng thân mưa.
Bỏ phố về quê, ngoài đam mê cần phải có trình độ kỹ năng
Không phải chỉ có những bạn sinh ra và lớn lên ở quê mới chọn bỏ phố về quê, nhiều bạn trẻ là người TP, nhưng với niềm yêu thích thiên nhiên, với lối sống xanh, các bạn sẵn sàng bỏ phố về quê với lý tưởng sẽ mang lại cho con người những sản phẩm chất lượng, đồng thời góp phần bảo vệ hệ sinh thái trái đất.
Nếu so sánh những người trước giờ chỉ làm nông nghiệp theo kinh nghiệm với những người có trình độ được đào tạo bài bản chắc chắn có chút khập khiễng, nhưng rõ ràng những người có trình độ khi làm nông nghiệp cơ hội phát triển lớn hơn rất nhiều.
Điển hình, ở quê tôi cũng có những trang trại do người dân thuê đất làm chủ. Thế nhưng họ cũng chỉ biết nuôi lợn, gà vịt, cá; trồng các loại rau củ cơ bản để bán cho người dân xung quanh. Họ làm như vậy, sau 5 năm, thậm chí 10 năm, cuộc sống gia đình họ vẫn vậy không có gì thay đổi. Vì họ canh tác truyền thống, mùa nào thức nấy, vẫn sử dụng phân bón,... giá trị các loại cây trồng, rau củ, vật nuôi,... không có sự khác biệt, do đó giá bán thấp.
Ngược lại, cũng là một trang trại trồng rau củ, nuôi lợn, cá, gà vịt,... nhưng được nuôi trồng tự nhiên. Nghĩa là suốt quá trình nuôi trồng không sử dụng thức ăn tăng trưởng, không dùng kháng sinh, không dùng phân bón hóa học, không phun thuốc (hoặc phun theo tiêu chuẩn) cho cây trồng,... Và giá trị những loại thực phẩm này mang lại là “sạch", đương nhiên sẽ được bán với mức giá cao, được phân phối ra các TP lớn, mang lại thu nhập cao cho người chủ. Để bảo đảm nuôi trồng tự nhiên, đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật và công sức, đây là điều mà một người nông dân bình thường không thể làm được.
Những năm đầu về quê, anh trai tôi đã mất 2 năm để tích lũy kinh nghiệm cho những loại cây trồng của mình. Trình độ của anh thì không có gì bàn cãi, anh vẫn tiếp tục nghiên cứu các loại cây trồng mới, nhân giống bán cây cho những người có nhu cầu, chia sẻ lại kỹ thuật trồng. Bố mẹ tôi có phụ anh chăm sóc vườn, nhưng hễ anh tôi bận rộn không kịp để ý là y rằng góc vườn bố mẹ tôi chăm cây sẽ hư hết vì bị tưới quá nhiều nước.
Hài lòng với cuộc sống “chân lấm tay bùn”
Công việc bận rộn từ sáng đến tối, quanh năm gần như không có ngày nghỉ nhưng anh tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Mỗi khi ra vườn thấy cây cối tốt tươi là đủ vui, thấy cây nở hoa là mừng. Niềm vui của anh đơn giản chỉ là ngày ngày quanh quẩn bên những khóm cây, được nhìn thấy thành quả mình chăm sóc thì có mệt chút cũng không thành vấn đề.
Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ bỏ phố về quê, vì lý tưởng, vì đam mê. Mỗi người chọn cho mình một mô hình khác nhau. Người đi theo xu hướng hữu cơ, người chọn cây trồng sạch, người theo mô hình hệ sinh thái tự nhiên, người mê công nghệ thì nghiên cứu dây chuyền chế biến sản xuất thành phẩm từ nông nghiệp sạch...
Người chọn cây trồng dược liệu, người chọn rau củ quả phục vụ cho nhu cầu cơ bản hàng ngày, người chọn dệt vải, người chọn đan lát... Tất cả đều với một lý tưởng bảo vệ hệ sinh thái trái đất, bảo vệ môi trường và mang những sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng.
Dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng thực sự đã có một làn sóng khởi nghiệp với nhiều cơ sở, DN được thành lập và nhiều sản phẩm mới ra đời từ khu vực nông thôn. Chủ nhân của các dự án này hầu hết đều là người trẻ, có trình độ, được đào tạo trong nước hoặc từ nước ngoài về quê lập nghiệp.
Khi diện tích nông nghiệp ở nông thôn đang bị thu hẹp do sự phát triển của nhà máy xí nghiệp thì bỏ phố về quê là một xu hướng tất yếu để lấy lại và phát triển đất nông nghiệp. Những người trẻ có đam mê, có trình độ chắc chắn sẽ làm được việc này, không chỉ vì thỏa mãn đam mê chính họ mà còn vì sự phát triển nền nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam.

Dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng thực sự đã có một làn sóng khởi nghiệp với nhiều cơ sở, DN được thành lập và nhiều sản phẩm mới ra đời từ khu vực nông thôn. Chủ nhân của các dự án này hầu hết đều là người trẻ, có trình độ, được đào tạo trong nước hoặc từ nước ngoài về quê lập nghiệp.