Bỏ phụ thuộc để bình ổn thị trường

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi bùng phát hồi tháng 2/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi khiến ngành chăn nuôi trong nước rơi vào tình cảnh lao đao với tổng đàn bị tiêu hủy khoảng 5,7 triệu con. Người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề, trong khi người tiêu dùng cũng đứng trước nguy cơ thiếu hụt thịt lợn để sử dụng.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tả lợn
Nhưng không chỉ có vậy, chi phí chăn nuôi lợn tăng cao trong bối cảnh dịch đã khiến giá thịt lợn trên thị trường thời gian qua liên tục biến động mạnh. Giá thịt lợn trung bình cả nước hiện đã lên tới 60.000 - 65.000 đồng/kg lợn hơi và con số này nhiều khả năng chưa dừng lại.
Việc tổng đàn lợn bị thiệt hại lớn khiến áp lực về nguồn cung thực phẩm, nhất là trong những tháng cuối năm, cận Tết Nguyên đán trở nên lớn hơn bao giờ hết. Dù Bộ NN&PTNT đã có phương án bù đắp sản lượng thịt lợn thiếu hụt, đồng thời khẳng định sẽ không khủng hoảng thiếu thực phẩm, nhưng điều này có lẽ không khiến nhiều người có thể yêu tâm. Thực tế, nếu nhu cầu thị trường cao nhưng khả năng sản xuất trong nước không đáp ứng được thì việc nhập khẩu thịt lợn sẽ là giải pháp cần được tính tới. Song, giải pháp tốt nhất và cũng đang được Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo là cố gắng điều hòa, khắc phục sự thiếu hụt thịt lợn bằng các loại thực phẩm thay thế khác mà thị trường trong nước có thể chủ động được.
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi chưa thể ngay lập tức thoát ra khỏi, thậm chí là còn phải sống chung lâu dài với dịch tả lợn châu Phi, giải pháp đặt ra là cần khuyến khích thay đổi thói quen tiêu dùng. Theo đó, việc tăng cường tuyên truyền cách thức tiêu thụ hợp lý các nhóm sản phẩm thủy sản – gia cầm – gia súc theo cơ cấu bữa ăn hàng ngày là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Điều này sẽ giúp Việt Nam tránh bị phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng từ bên ngoài về lâu dài. Nhưng quan trọng hơn là góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi một cách hợp lý, khoa học hơn.
Không dễ để ngay lập tức chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng từ thịt lợn sang các nhóm sản phẩm khác, bởi tiêu dùng là thói quen, cần có thời gian tuyên truyền, thay đổi dần dần. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã chủ trương và đang tập trung chỉ đạo tăng đàn, tái đàn ở những nơi chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh. Đây được xem là giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng cho người tiêu dùng về lâu dài.