Đến chiều nay (24/12), Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội, Hải quân, dân quân tự vệ.... đã huy động toàn bộ lực lượng, hàng nghìn phương tiện sẵn sàng giúp dân ứng phó với cơn bão số 16.
Phóng viên phỏng vấn Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc phòng về nội dung này.
PV: Ông có thể cho biết tới thời điểm này, quân đội đã huy động lực lượng và phương tiện như thế nào để ứng phó với bão số 16?
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 16 sẽ đổ bộ vào Nam Bộ ngày mai, chấp hành công điện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng đã có chỉ thị ra lệnh cho toàn quân triển khai tập trung lực lượng quân đội, chủ yếu là ở các quân khu phía Nam là quân khu 5, quân khu 7, quân khu 9... sẵn sàng ứng phó với cơn bão này.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn. |
Dự kiến chúng tôi huy động khoảng 30.000 quân, 60.000 dân quân tự vệ, sẵn sàng huy động 10.000 dự bị động viên và hàng nghìn phương tiện để thực hiện ứng phó với cơn bão lần này.
Đến giờ phút này công tác triển khai đang rất quyết liệt ở các cấp. Đặc biệt là trên khu vực quần đảo Trường Sa và dầu khí.
Việc huy động tàu thuyền vào vị trí tránh trú đến trưa nay được trên 600.000 phương tiện trên 300.000 ngư dân vào tránh trú an toàn ở các khu vực đã được dự kiến. Các địa phương đang làm công tác để ổn định, bảo đảm an toàn khi cơn bão đi qua khu vực này.
PV:Hướng di chuyển của bão phức tạp, vậy để kịp thời hỗ trợ người dân giảm thiệt hại do bão số 16 gây ra, lực lượng cứu hộ đã đặt ra những tình huống và giả thiết ứng phó như thế nào, thưa ông?
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Các quân khu, đặc biệt quân khu 7, quân khu 9 cũng đang đánh giá tình hình và phối hợp chặt chẽ các đơn vị cơ sở để lường trước các tình huống của cơn bão phức tạp này.
Chúng tôi đã dự kiến các tình huống ở trên biển, các cửa sông, cửa vịnh và ở các khu vực mà dễ bị tổn thương triều cường cũng như là các khu vực dân cư ở ven các sông mà dễ bị sạt lở ảnh hưởng của gió lốc, mưa bão.
Rất nhiều phương án đã được đặt ra ở các cấp độ khác nhau. Căn cứ phương án ấy các lực lượng quân đội đã đang rà soát các kế hoạch cùng với cấp ủy chính quyền địa phương sẵn sàng các phương án để khi xảy ra ở mức độ nào, ở loại hình nào sẽ trực tiếp phát huy vai trò chủ động nòng cốt trong việc phòng chống thiên tai có hiệu quả ở các cấp trên cơ sở phát huy hiệu quả to lớn của chủ trương thực hiện 4 tại chỗ trong ứng phó với thiên tai.
PV: Những cơn bão trước, nhiều người nuôi trồng thủy sản vẫn ở lại trên các lồng bè. Vậy cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này, đảm bảo không xảy ra thiệt hại về người khi bão đổ bộ vào, thưa ông?
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa: Hiện nay, Bộ Tư lệnh biên phòng đã có chỉ đạo rất quyết liệt Bộ chỉ huy biên phòng các tỉnh ở ven biển phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương và đặc biệt vận động bà con không ở lại trú trên các lồng bè.
Ở những chỗ cần thiết sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cưỡng chế, quyết tâm không để một người dân nào ở trên các lồng bè, khu vực nguy hiểm mà cơn bão sẽ đi qua dẫn đến gây thiệt hại về người cũng như về tài sản như những cơn bão vừa qua.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!.