Bỏ quy định riêng đăng ký thường trú ở TP trực thuộc T.Ư: Lo áp lực lên hạ tầng

Đạt Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 16/6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường vệ Dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Trong đó, việc bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại các TP thuộc T.Ư trong Luật hiện hành vẫn gây nhiều băn khoăn, bởi những lo ngại về áp lực lên hạ tầng xã hội, dịch vụ công.

Áp lực dân số tăng cơ học
Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư trong Luật hiện hành. Đồng thời, bãi bỏ khoản 3 và khoản 4 Điều 19 của Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Hà Nội.
Theo đó, việc đăng ký thường trú tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư được thực hiện theo các điều kiện như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trong toàn quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phân tích rõ hơn tác động tiêu cực về mặt xã hội của giải pháp đề ra khi làm tăng dân số cơ học tại các TP lớn, sẽ làm gia tăng áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế, các dịch vụ công khác.
 Công dân làm thủ tục tại UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội, sau hơn 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay quy mô dân số Hà Nội tăng thêm 1,66 triệu người, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 2,22%/năm, so với giai đoạn giai đoạn 1999 - 2009 tỷ lệ tăng dân số bình quân tăng khá nhanh (tăng hơn 0,13%). Tuy nhiên, điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở khu vực thành thị, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 26,1m2/người và tăng lên đáng kể... Cùng với tăng dân số tự nhiên, tăng dân số cơ học đang gây áp lực lớn cho Hà Nội.
Dân số Hà Nội trong 10 năm qua tăng thêm 1,6 triệu người, riêng khu vực nội thành tăng trên 1,3 triệu người, trong đó phần lớn là gia tăng cơ học từ người nhập cư.
Theo Viện Dân số và các vấn đề xã hội, trung bình mỗi năm có khoảng 120.000 trẻ ra đời, cộng với tỷ lệ nhập cư về Hà Nội liên tục tăng khoảng 80.000 - 100.000 người/năm, Hà Nội đang phải đối mặt với bài toán bảo đảm quy mô dân số hợp lý.
Do đó, theo nhiều ý kiến, việc bỏ điều kiện riêng khi nhập khẩu vào TP phải tính đến việc bảo đảm hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân với khả năng đáp ứng các dịch vụ thiết yếu về bảo đảm an sinh xã hội cũng như an ninh, trật tự tại các đô thị lớn, tránh gây quá tải. Bởi các TP lớn đang thu hút số dân nhập cư rất nhiều nên khi bỏ điều kiện này phải đánh giá kỹ hơn tác động, nhằm tạo sự đồng thuận của chính quyền địa phương.
Cần đồng bộ các chính sách
Hiện điều kiện đăng ký thường trú riêng được đưa ra với các TP trực thuộc T.Ư theo quy định của Luật Cư trú hiện hành và Điều 19 Luật Thủ đô. Cụ thể, khi đăng ký thường trú vào các huyện, thị xã, đòi hỏi công dân phải có thời gian tạm trú tại TP đó từ một năm trở lên. Thời gian này tăng lên 2 năm đối với các trường hợp đăng ký thường trú vào các quận. Riêng đăng ký vào quận nội thành Hà Nội, thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô, nghĩa là phải tạm trú từ 3 năm trở lên…
Việc Luật Cư trú hiện hành quy định các điều kiện riêng đối với việc đăng ký thường trú vào TP trực thuộc T.Ư so với đăng ký thường trú vào tỉnh, nhằm hạn chế tình trạng di dân từ nông thôn đến các TP lớn, giảm áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng và chính sách an sinh xã hội của các đô thị này. Về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội bày tỏ sự tán thành việc bỏ các quy định này sẽ bảo đảm tốt hơn quyền tự do cư trú của công dân.
Tuy nhiên, cần phải đồng bộ với các chính sách khác về an sinh xã hội. Việc quá tải phải tính trong điều kiện cụ thể, từng địa phương cụ thể để có các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở ưu tiên việc thu hút lao động chất lượng cao.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cũng nhấn mạnh, không phải nói bỏ là bỏ luôn mà Chính phủ cần có hướng dẫn về vấn đề này, trên cơ sở bảo đảm chất lượng, thu hút lao động có chất lượng ở trên từng địa bàn. Đồng thời cần phải có lộ trình cụ thể để đồng bộ các chính sách, có những tính toán cho phù hợp để chính sách đi vào cuộc sống không bị vướng mắc.
Đồng tình về vấn đề này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội nêu, thực tế lâu nay vẫn có tình trạng người dân tập trung về các đô thị lớn như TP Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để kiếm sống.
Đến TP họ sẽ tìm kiếm được các cơ hội việc làm. Việc bỏ các quy định này đi sẽ giảm được những phiền hà nhưng cần phải có chính sách để giãn các trường đại học, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất ra các khu đô thị vệ tinh để kéo giãn mật độ dân số ở nội đô.

"Việc bỏ quy định điều kiện đăng ký thường trú sẽ gia tăng dân số cơ học tại các TP, gây áp lực cho hệ thống y tế và giáo dục. Hiện, Hà Nội áp lực dân số rất lớn, nhiều bài toán bế tắc, giờ lại xóa điều kiện đăng ký thường trú nữa thì ra sao. Về lý thuyết quy định đúng rồi nhưng phải nghĩ ra cách điều tiết di cư tự do. Hiện, 4 quận nội đô hạ tầng đang rất áp lực nhất là y tế, văn hóa, giáo dục. Vì vậy, các luật khác cần điều khoản điều tiết, luật pháp cho phép nhưng Nhà nước phải điều tiết bằng giải pháp kinh tế. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng tác động của một số nội dung được nêu trong Dự Luật đến tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương." - Bí thư Thành ủy Hà Nội 

Vương Đình Huệ

"Xuất phát từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có những quy định đặc thù, được thu phí, lệ phí khác với quy định thông thường, đó là một trong những công cụ kiểm soát tình trạng di dân từ nông thôn ra TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có thể nghiên cứu biện pháp thu một khoản tiền, lệ phí cao để người dân di cư được quyền cư trú. Trong đó, điều kiện thu phí có ý nghĩa giúp tăng nguồn lực đầu tư hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của người dân tăng lên. Người nào thực sự có nhu cầu, khả năng họ sẽ lựa chọn quyền được cư trú. Đó là yếu tố bảo đảm quyền lựa chọn của người dân vừa bảo đảm điều kiện phát triển của địa phương." - ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)


"Nếu các TP lớn, trong đó có Hà Nội xoá điều kiện riêng đăng ký thường trú, những người đang tạm trú có thể dễ dàng chuyển sang thường trú và với số lượng người nhập cư ngày càng gia tăng sẽ gây sức ép rất lớn cho hệ thống hạ tầng, dịch vụ công; trong đó tạo áp lực tuyển sinh cho hệ thống trường công lập. Như vậy, cần cân nhắc các yếu tố, trong đó, lưu ý đến việc bảo đảm hài hòa giữa quyền tự do cư trú của công dân với khả năng đáp ứng các dịch vụ thiết yếu về bảo đảm an sinh xã hội cũng như vấn đề an ninh, trật tự, hệ thống dịch vụ công tại các đô thị lớn, tránh gây quá tải." - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Lê Mai Trang

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần