Bộ Quy tắc ứng xử: Cơ hội chấn chỉnh hành vi “lệch chuẩn”

Linh Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi UBND TP Hà Nội vừa ban hành Bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng. Đây là dấu mốc quan trọng để chấn chỉnh hành vi “lệch chuẩn” ứng xử của nhiều người dân.

 
Tuy nhiên, làm sao để Bộ QTƯX không nằm trên văn bản, mà được người dân đồng tình ủng hộ thực hiện lại là một vấn đề “hậu” QT. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội xung quanh cách thức nào để đưa Bộ QT vào đời sống.
Thưa ông, để Bộ QT thực sự đi vào cuộc sống, Sở VH&TT sẽ tham mưu với UBND TP những nội dung triển khai như thế nào để việc thực hiện được hiệu quả?
- Phải nói QTƯX ra đời là sự cố gắng lớn của các cơ quan, đơn vị tham gia soạn thảo, sự tham gia tích cực, hiệu quả, tâm huyết của các chuyên gia, các cơ quan thông tấn báo chí, của toàn dân và đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Bí thư Thành ủy. Khâu soạn thảo, ban hành đã hết sức kỹ lưỡng, cầu thị để chúng ta có 2 QTƯX được ký ban hành. Tuy nhiên, để nó thực sự đi vào cuộc sống thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo hướng dẫn của TP, và đặc biệt là sự hưởng ứng tích cực của người dân Thủ đô. Đối với QTƯX nơi cộng cộng, Sở đang tham mưu cho TP chỉ đạo đồng bộ các biện pháp tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu thực hiện tại tất cả các điểm công cộng trên địa bàn TP. Các đơn vị sẽ phải quán triệt tới toàn thể cán bộ, nếu ai vi phạm để phản ánh lên các phương tiện truyền thông hoặc phản ánh tới cơ quan tùy theo mức độ sẽ có biện pháp xử lý. Đối với các địa điểm công cộng cụ thể được nêu ra trong QT sẽ bổ sung hoặc làm mới các bảng, biển để ghi rõ phần QTƯX của điểm công cộng đó yêu cầu người dân những việc nên làm và không nên làm khi tham gia các hoạt động tại nơi công cộng. Đối với các nội dung ứng xử chung sẽ được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài phát thanh truyền hình. Đối với các quy định khi tham gia giao thông sẽ phối hợp với Công an TP lồng vào nội dung tuyên truyền của ngành công an hiện đang phát thanh tại các nút giao thông. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo của UBND TP, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tổ chức tuyên truyền bằng các hình thức đa dạng khác như: Triển lãm các hình ảnh đẹp, chưa đẹp, biểu dương các hành động đẹp, nhân ái của người dân và phê phán những hình ảnh xấu, tạo sự lan tỏa sâu rộng nhằm điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn hướng tới xây dựng chuẩn mực văn hóa người Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tham mưu cho UBND TP đề nghị MTTQ TP, các đoàn thể chính trị tuyên truyền, quán triệt, vận động đoàn viên, hội viên nghiêm túc thực hiện. Đặc biệt là Đoàn thanh niên tổ chức các câu lạc bộ, các nhóm, các mô hình tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện.
Một trong nguyên tắc quan trọng của QT là không có quy định xử phạt, áp đặt mà chỉ mang tính định hướng. Nếu chỉ dựa vào tinh thần tự nguyện thì có khó để người dân thực hiện những điều trong quy định của Bộ QT?      
- Đây đúng là vấn đề báo chí cũng như dư luận băn khoăn từ khi dự thảo QT còn trong quá trình xin ý kiến. Tuy nhiên, với các biện pháp triển khai đồng bộ và cơ bản như trên, trước mắt người dân sẽ xác định được đâu là những giá trị chung, phổ biến để tự điều chỉnh mình và nếu khi vi phạm thì họ cũng biết là đang vi phạm những chuẩn mực văn hóa do TP đặt ra. Các cơ quan quản lý các địa điểm công cộng cũng căn cứ vào các nội dung của QT để có biện pháp nhắc nhở, phê bình những người vi phạm. Vì mục đích của QT này là từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước.
Theo ông, cần bao lâu để người dân có thể hiểu, nhớ và thực hiện Bộ QT?
- Các quy định cụ thể sẽ được gắn biển để nhắc nhở tại các điểm công cộng như: Bến xe, nhà ga, bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn... Như vậy, bất cứ người dân nào khi tới các địa điểm này đều biết các nội dung nên làm hay không nên làm. Một số quy định trong QTƯX đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật sẽ xử lý nghiêm khắc nhằm chấn chỉnh kỷ cương, đồng thời cũng mang lại hiệu quả tuyên truyền giáo dục. Còn các quy định chung sẽ được các cơ quan truyền thông tuyên truyền tới Nhân dân. Như vậy, trong thời gian tới, người dân sẽ được cung cấp thông tin về các QTƯX của TP. Công tác tuyên truyền sẽ được làm thường xuyên, liên tục, kiên trì, định hướng ứng xử văn hóa từ hành vi nhỏ nhất để hình thành nếp sống văn hóa của người dân Thủ đô.
Xin cảm ơn ông!

Quy tắc ứng xử nơi công cộng được thi hành sẽ góp phần tạo nét đẹp cho văn hóa Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

TP xây dựng QTƯX nơi công cộng trên địa bàn Thủ đô mang đậm nét văn hóa người Hà Nội xưa. Thời còn nhỏ, tôi đã được ông bà dạy dỗ nghiêm khắc việc nhã nhặn, nhỏ nhẹ ăn nói, sinh hoạt hòa nhã, giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng. Những văn hóa ứng xử này thể hiện con người Tràng An văn minh, lịch thiệp.
Hiện nay, một bộ phận giới trẻ Thủ đô có những hành động thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng cộng đồng. Họ chưa ý thức được sự vô tâm của mình sẽ dần mai một văn hóa ngàn năm văn hiến người Hà Nội. Bộ QTƯX khi được truyền thông rộng rãi sẽ phần nào thức tỉnh “Văn hóa người Tràng An” trong mỗi con người Thủ đô, đặc biệt với giới trẻ. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Đây là biện pháp nhắc nhở hiệu quả và cũng đúng phương châm dạy dỗ của người Hà Nội xưa.
Ông Phạm Tấn Hải  (SN 1963, trú tại ngách 2/18 phố Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội)

Theo tôi, việc ban hành QTƯX nơi công cộng này là đúng đắn và cần thiết. Qua nghiên cứu có thể thấy được trong Bộ QT này đã có những định hướng nhằm hình thành chuẩn mực đạo đức, phù hợp với giá trị văn hóa chung của Hà Nội. Đồng thời, nó cũng đảm bảo được tính thực tiễn và đặc thù trong phát triển bối cảnh hiện đại của Thủ đô Hà Nội ngày nay. Đây chính là những yếu tố quan trọng để Bộ QT có thể tồn tại bền vững và góp phần thúc đẩy sự phát triển của TP.
Hơn nữa, việc ban hành QTƯX không phải là vấn đề mới, vì các quốc gia trên thế giới từ lâu đã xây dựng các bộ QTƯX. Trong khi đó, Hà Nội có nền tảng văn hóa từ hàng nghìn năm qua, nên việc hình thành các chuẩn mực ứng xử là điều cần thiết. Bởi nó vừa góp phần vào việc giữ gìn những nét thanh lịch của người Hà Nội, vừa tạo được hài hòa với sự phát triển của cuộc sống hiện đại.
Ông Nguyễn Thiện NhânBí thư Chi bộ Khu dân cư số 3 (phường Văn Miếu, quận Đống Đa) 

Ông Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội:
Bộ Quy tắc không bị đóng khung, luôn mở để điều chỉnh là hợp lý
Tôi ủng hộ về mặt chủ trương ban hành Bộ QTƯX nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội. Bởi suy cho cùng, đây là lĩnh vực khó. Một bộ QT ban hành không thể 100 người đều thích, đạt 80 người thích là tốt lắm rồi. Tôi ví dụ như người kinh doanh trên vỉa hè, hoặc chiếm dụng vỉa hè thành nơi sử dụng đất tư sẽ không thích quy định không chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, đun nấu đốt lửa trên vỉa hè… của Bộ QT này. Nhưng rõ ràng, TP Hà Nội muốn văn minh thì phải có những quy định để hướng dẫn, uốn nắn mọi người vào những hành vi đúng.
Tôi cũng rất mừng về quy định ở Điều 14 của Bộ QTƯX nơi công cộng là trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề gì phát sinh thì UBND TP xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Có nghĩa rằng, QT này không bị đóng khung, mà luôn mở ở những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Thực tế cuộc sống luôn luôn tiếp diễn, quy định này có thể phù hợp với giai đoạn này nhưng không phù hợp với giai đoạn sau đó. Chính vì vậy, việc chấn chỉnh hành vi văn hóa cũng cần phải mềm dẻo.