Bộ Quy tắc ứng xử: Tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hai Bộ Quy tắc ứng xử (QTƯX) của Hà Nội chưa ban hành vào ngày 1/1/2017 như dự kiến ban đầu vì còn tiếp tục chỉnh sửa.

Hiện nay, lãnh đạo TP Hà Nội đang lấy ý kiến và điều chỉnh. Bộ QTƯX chỉ có thể ban hành khi nhận được sự đồng thuận cao” – ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị chiều ngày 5/1.

Cán bộ, công chức, viên chức ăn mặc khi giao tiếp với dân phải theo quy định. Ảnh: Thanh Hải

Về cơ bản, Bộ QTƯX cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc hệ thống chính quyền Thủ đô vẫn giữ nguyên các phần mục 6 chương, 16 điều với các nguyên tắc ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản như: Quy tắc ứng xử chung; ứng xử với đồng nghiệp; ứng xử với người dân; ứng xử giữa các cơ quan. Theo thông tin từ Sở VH&TT Hà Nội, dự kiến ban đầu Bộ QTƯX này được ban hành vào ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, trước những ý kiến trái chiều về quy định cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp..., đơn vị soạn thảo, lãnh đạo TP Hà Nội đã lắng nghe và điều chỉnh một số câu từ trong dự thảo Quy tắc cho phù hợp. Theo thông tin từ Sở VH&TT Hà Nội, có thể Bộ QTƯX sẽ thay đổi quy định sử dụng nước hoa, mỹ phẩm… nhưng giữ nguyên quan điểm công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính quyền Thủ đô phải mặc váy dài đến gối và không được xăm hình. “Việc điều chỉnh dự thảo QTƯX không còn thuộc thẩm quyền của Sở VH&TT Hà Nội mà là của lãnh đạo TP Hà Nội. Tuy nhiên, thể theo nguyện vọng của số đông quần chúng Nhân dân, Hà Nội sẽ sớm ban hành Bộ QTƯX khi nhận được sự đồng thuận cao, dự kiến có thể trong tháng 1/2017” – ông Động cho biết.
Ngoài ra, bên cạnh Bộ QTƯX, ông Động còn trao đổi rõ hơn các hoạt động văn hóa văn nghệ trong dịp Tết Nguyên đán 2017, đặc biệt vấn đề thỉnh chuông nhà thờ, đền, chùa… vào thời khắc giao thừa đang gây tranh cãi khi công bố. Ông Động cho rằng, đó là ý tưởng của ngành văn hóa Thủ đô để mong cho Nhân dân đón thời khắc giao thừa thiêng liêng thêm ý nghĩa. “Chúng tôi chỉ bày tỏ ý tưởng, mong muốn như vậy chứ không thể ban hành thành văn bản hành chính bắt buộc như nhiều người vẫn nghĩ” – ông Động nhấn mạnh. Trong dịp này, Sở VH&TT Hà Nội sẽ tăng cường nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ ở 4 địa điểm như: Quanh Hồ Gươm, trước cửa UBND quận Hà Đông, trước cửa sân vận động quốc gia Mỹ Đình, UBND thị xã Sơn Tây và tại nhà văn hóa của 30 quận, huyện để phục vụ quần chúng Nhân dân.