Bỏ rác đúng nơi quy định: Gian nan hành trình thay đổi nhận thức

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bỏ rác đúng nơi quy định” - là một việc làm đơn giản, là bước đầu tiên trong chuỗi các hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những việc làm tưởng chừng rất đơn giản này lại vô cùng nan giải.

Nhân viên vệ sinh môi trường dọn rác trong đêm.
Trăm dâu đổ đầu... công nhân
Nhằm nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ môi trường, từ nhiều năm nay, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy đinh, rất nhiều các trường hợp vi phạm đã được các lực lượng chức năng lập biên bản xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, “Dã tràng xe cát biển Đông”, tình trạng bỏ rác sai nơi quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói, để xảy ra tình trạng trên ngoài ý thức của người dân, có phần trách nhiệm không nhỏ của chính quyền địa phương, các cơ sở kinh doanh.
Tại khu vưc phố đi bộ Hà Nội - nơi thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi dịp cuối tuần, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đã bố trí những tấm biển nhắc nhở người dân bỏ rác đúng nơi quy định tại đầu các tuyến đường dẫn vào, cũng như trong phố đi bộ.
Thậm chí, tại những khu vực điểm nóng về tình trạng xả rác sai quy định, Urenco đã lắp đặt camera để ghi lại những hành vi vi phạm… Tuy nhiên, tình trạng rác thải ngập đường vẫn diễn ra mỗi ngày, khiến công nhân đã vất vả lại càng thêm vất vả.
Theo lãnh đạo Công ty Urenco, để khắc phục những bất cập trong ý thức của người dân, hiện tại công ty đã lắp đặt thêm nhiều thùng rác 240 lít, thùng 660 lít, xe đẩy tay inox có thùng chứa rác 80 lít, chổi gom, chổi thanh hao, kẹp rác, xẻng chuyên dùng, chổi nhựa.
Hàng ngày, công ty huy động thêm 5 công nhân khu vực hồ Hoàn Kiếm, đảm bảo có 21 công nhân mỗi ca. Trong thời gian từ 19 - 24 giờ các ngày cuối tuần, lực lượng lao công sẽ dùng chổi thanh hao, thùng 240 lít quét dọn làm sạch toàn bộ khu vực không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận… nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng.
 
Cần sự quyết liệt của chính quyền
Bà Nguyễn Thị Lý - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) cho biết, ở các nước nổi tiếng là xanh, sạch, đẹp như Singapore, Nhật Bản, Mỹ… công tác tuyên truyền về việc bỏ rác đúng nơi quy định không khác ở Việt Nam, quan trọng vẫn là do ý thức của con người.
Do đó, để nâng cao nhận thức, ý thức bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, việc đầu tiên là phải nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, chúng ta phải trang bị, hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý rác như thế nào cho hợp lý.
Mới đây, nhằm nâng cao nhận thức bỏ rác đúng nơi quy định góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng hình ảnh Thủ đô “Xanh - sạch - đẹp”, Urenco đã ban hành Kế hoạch số 130/MTĐT với mục đích đảm bảo công tác duy trì vệ sinh môi trường các tuyến phố đi bộ trong các ngày hoạt động luôn được sạch sẽ, xây dựng hình ảnh thân thiện với hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường ở phố đi bộ; nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của Nhân dân và du khách trên tuyến phố trong các ngày tuyến phố đi bộ hoạt động…
So với những kế hoạch khác, kế hoạch này được kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực với sự quyết liệt của chính quyền phường sở tại, đặc biệt là công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm…
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho rằng, để công tác bảo vệ môi trường đạt được những kết quả bền vững, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa với các đơn vị chịu trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đơn cử như tại khu vực phố đi bộ, nếu chính quyền địa phương vẫn mặc định đây là trách nhiệm của đơn vị làm vệ sinh môi trường thì nó sẽ như “muối bỏ bể”.
Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh, gánh hàng rong có hành vi xả rác sai nơi quy định…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần