Bộ sách lớn nhất về Lịch sử Việt Nam: Chưa thể lấp đầy khoảng trống lịch sử

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - In xong từ năm 2015, nhưng đến cuối tháng 8/2017, độc giả mới được tiếp cận bộ sách dày hơn 10.000 trang về Lịch sử Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam biên soạn.

Bộ sách được cho rằng đã lấp được khá nhiều khoảng trống của lịch sử: Tiêu cực trong triều đại nhà Mạc, nhà Nguyễn, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc…
Bộ sử Việt đồ sộ nhất

Bộ sách “Lịch sử Việt Nam” là công trình nghiên cứu của hàng chục giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử trong suốt 9 năm, khái quát lịch sử nước ta từ thời khởi thủy đến năm 2000. “Đây là bộ thông sử Việt Nam lớn nhất, đồ sộ nhất từ trước đến nay, kế tục những tri thức cơ bản trong các công trình nghiên cứu, các sách, hoặc các bộ sách đã xuất bản trước đây về lịch sử Việt Nam” - PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng chủ biên bộ “Lịch sử Việt Nam” chia sẻ. Sách cũng chú trọng việc bổ sung những kết quả nghiên cứu mới nhất của các ngành khoa học xã hội và nhân văn như: Sử học, khảo cổ học, dân tộc học, tôn giáo học và văn hóa học. Bộ sách “Lịch sử Việt Nam” từng đoạt “Giải vàng” sách hay năm 2015.

Bộ sách “Lịch sử Việt Nam” gồm 15 cuốn đề cập chính sử từ thời nguyên thủy đến năm 2000 (ảnh internet)

Bộ sách gồm 15 bộ nhỏ, được hoàn thành trên cơ sở chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), do Viện Sử học chủ trì. Các bộ sách được gọi tên thành “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Văn hóa biển đảo Việt Nam”; “400 năm chữ quốc ngữ hình thành, phát triển”, “Lược sử Việt ngữ học”; “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam”, “Hiên ngang Trường Sa”…

Một cuộc chiến không chỉ còn 8 dòng

Kỳ vọng lớn nhất của những người nghiên cứu bộ sách này chính là việc lấp dần những khoảng trống về lịch sử. Ví như cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra khá khốc liệt trong sách giáo khoa chỉ đề cập gói gọn trong 8 dòng, nhiều tư liệu lịch sử cũng không đề cập sâu về cuộc chiến tranh này. “Trong sách, 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc được nhắc đến, không phải chỉ có 8 dòng như trong sách giáo khoa mà nói kỹ hơn nhiều” – PGS.TS Trần Đức Cường chia sẻ.

Nói về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, PGS.TS Trần Đức Cường nhấn mạnh: “Trong bộ sử này, chúng tôi nói rõ bao nhiêu quân Trung Quốc, bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu đại bác. Nếu như ở các tư liệu lịch sử khác mới nói được bề nổi mà chưa nói được bề sâu mối quan hệ hai nước, thì bộ sách này làm được điều đó. Trận chiến tranh biên giới phía Bắc cũng không gói gọn trong tháng 2/1979 mà còn kéo dài. Cán bộ chiến sĩ của chúng ta còn phải hy sinh rất nhiều xương máu để đến khoảng năm 1988 mới thực sự có hòa bình ở biên giới phía Bắc. Bộ sử cũng nói rõ điều đó”.

PGS.TS Trần Đức Cường cũng thừa nhận, bộ sách “Lịch sử Việt Nam” tuy hoành tráng, cố gắng khắc phục những điểm yếu của sách chính sử trước đây, nhưng thời kỳ phong kiến vẫn chỉ tập trung vào các vấn đề liên quan đến triều đình ở thời kỳ phong kiến, mà chưa thấy bóng dáng, lối sống của người nông dân. Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ, lịch sử mới quan tâm nhiều ở vùng giải phóng, còn thiếu những tư liệu ở vùng tạm chiếm. Các nhà khoa học cũng mong muốn lấp đầy khoảng trống này. Tuy nhiên, do điều kiện tiếp cận cũng như thời gian, nên bộ sách “Lịch sử Việt Nam” chưa làm được. Những hạn chế này có thể sẽ được khắc phục trong bộ “quốc sử” (25 tập chính sử, 5 tập biên niên), thuộc Đề án nghiên cứu và biên soạn lịch sử của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tổng chủ biên “quốc sử” này là GS Phan Huy Lê. Bộ sử đang trong quá trình biên soạn và được ra mắt trong thời gian tới.