Bổ sung các quy định đánh giá cán bộ, công chức theo vị trí việc làm
Công tác quản lý cán bộ, công chức sẽ lấy vị trí việc làm làm trung tâm, làm cơ sở để sàng lọc, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Tại dự thảo luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây, Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung một chương quy định riêng về vị trí việc làm, trong đó đưa ra khái niệm vị trí việc làm, phân loại vị trí việc làm; căn cứ xác định vị trí việc làm; thay đổi vị trí việc làm và nội dung quản lý về vị trí việc làm.
Vị trí việc làm là trung tâm trong quản lý cán bộ, công chức
Theo Bộ Nội vụ, Nhà nước sẽ thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Về khái niệm vị trí việc làm, dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là vị trí việc làm là tên gọi xác định nhiệm vụ của công việc cụ thể gắn với chức danh chuyên môn nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, được xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị, là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ.
Phương án 2 là vị trí việc làm là tên gọi chức danh công chức chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chức vụ lãnh đạo, quản lý, gắn với công việc và vị trí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền và kết quả, sản phẩm cụ thể.
Cấu trúc của vị trí việc làm gồm: Tên gọi; bản mô tả công việc; trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn; khung năng lực (kiến thức, kỹ năng, khả năng đáp ứng công việc…).
Để phân loại vị trí việc làm, Bộ Nội vụ đề xuất 4 vị trí việc làm gồm: Cán bộ; lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ.
Căn cứ để xác định vị trí việc làm dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị; mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, xác định vị trí việc làm còn căn cứ vào mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức ở địa phương xác định vị trí việc làm căn cứ vào vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh - trật tự của địa phương.
Bộ Nội vụ cũng quy định rõ việc thay đổi phải dựa trên cơ sở nhu cầu vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm mới.
Cơ quan, tổ chức quản lý công chức ban hành quy định về phương thức, nội dung kiểm tra để tổ chức sát hạch, đánh giá công chức để bố trí, sắp xếp vào vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ theo vị trí việc làm.
Quản lý theo nguyên tắc "có vào có ra, có lên có xuống"
Dự thảo của Bộ Nội vụ cũng quy định các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, quyết định, phê duyệt, điều chỉnh, thay đổi vị trí việc làm.
Đặc biệt, Bộ Nội vụ đề xuất quy định về phương thức, nội dung kiểm tra, sát hạch để tổ chức sát hạch, đánh giá công chức để bố trí, sắp xếp vào vị trí việc làm phù hợp với năng lực, trình độ theo nguyên tắc "có vào có ra, có lên có xuống."
Dự thảo nêu rõ việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và kết quả thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức.
Trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tinh giản theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện tinh giản.
Theo Bộ Nội vụ, nguyên tắc xác định vị trí việc làm phải phù hợp với tổ chức bộ máy, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; bảo đảm khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn; bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm./.

Đề xuất đưa hiệu quả thực hiện cam kết vào tiêu chí đánh giá cán bộ
Kinhtedothi-Để tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị Ủy ban TVQH nghiên cứu, quy định đưa việc thực hiện cam kết, lời hứa trong chất vấn, trong giám sát của HĐND là tiêu chí đánh giá cán bộ trong lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND bầu.

Hà Nội nên xem nghiên cứu khoa học là một tiêu chí đánh giá cán bộ
Kinhtedothi-"TP Hà Nội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế để khuyến khích, động viên các cán bộ, nhân viên có khát vọng, đam mê nghiên cứu khoa học, để nghiên cứu khoa học trở thành nhu cầu; đồng thời nên coi nghiên cứu khoa học cũng là một tiêu chí đánh giá cán bộ"-GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Tránh bệnh hình thức trong đánh giá cán bộ
Kinhtedothi – Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, các đơn vị cần tránh bệnh hình thức trong công tác đánh giá cán bộ, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng chi bộ 4 tốt; tập trung xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.