Bổ sung chế tài xử phạt để tăng tính nghiêm minh của Luật Chăn nuôi

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/9, đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị
Tại hội nghị, đã có 7 ý kiến đóng góp vào 2 dự thảo Luật. Trong đó, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển ngành chăn nuôi và trồng trọt theo hướng hiện đại, bền vững. Sau khi được chỉnh sửa lần thứ 4, Dự Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt cơ bản đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với các luật có liên quan.
Kiến nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Chăn nuôi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, Luật cần bổ sung vi cấm giết mổ trong khu vực nội thành. Về xử lý chất thải chăn nuôi, phải có biện pháp xử lý chất thải phù hợp, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Luật cần quy định về giết mổ lưu thông đối với chó, mèo; lượng chó mèo làm thực phẩm; có quy định về giết mổ công nghiệp theo chuỗi.

Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải, Luật Chăn nuôi nên bổ sung trong điều 4 về Nhà nước có quy hoạch đất đai cho chăn nuôi, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi an toàn cho môi trường. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung thêm chính sách ưu đãi cho DN đầu tư chăn nuôi ở vùng xa. Đối với điều 9 về các hành vi nghiêm cấm, nên bổ sung nghiêm cấm lạm dụng kháng sinh quá liều lượng, không đảm bảo thời gian cho phép. Ngoài ra, bổ sung hành vi xử phạt về kinh tế đối với hành vi vi phạm về chăn nuôi; chế tài đối với người bán thức ăn chăn nuôi. Cấm cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, trang trại chăn nuôi trong khu dân cư.

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội Tô Thị Lan Hương, cần bổ sung giải thích về “trang trại quy mô lớn”, và tăng quy mô nông hộ, trang trại quy mô nhỏ, có số lượng cụ thể để luật dễ đi vào cuộc sống, người dân dễ hiểu và thực hiện.

Về Luật trồng trọt, các ý kiến đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ về giống cây trồng. Về nguyên tắc hoạt động trồng trọt, đề nghị xem xét lại điều 3, điều 5 bổ sung thuật ngữ “Nhà nước đầu tư”; bổ sung việc quản lý, bảo vệ, phát triển cây đầu dòng. Làm rõ trình tự, thủ tục giống cây trồng cây lâu năm; thời hạn quyết định cây đầu dòng cho phù hợp với quyết định lưu hành giống.

Tuy nhiên, bà Hương cũng cho rằng, dự thảo luật còn giao nhiều điều cho Chính phủ và Bộ NN&PTNT, điều này làm giảm tính khả thi của Luật. Luật Chăn nuôi còn chưa có chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Do đó, cần quy định rõ các chế tài xử phạt để tăng tính nghiêm minh của Luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần