Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bổ sung nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh vào Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/12, tại Kỳ họp thứ 5, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh nội dung Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015 của HĐND TP khóa XIV về Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết này có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2018.

3000 tỷ đồng để ứng dụng CNTT
Trong đó, điều chỉnh chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp từ: “50% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4” thành “100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4”. Điều chỉnh nhiệm vụ ứng dụng phục vụ hoạt động điều hành nội bộ: “Duy trì các ứng dụng cơ bản: thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành tác nghiệp, chuyển nhận văn bản điện tử, tích hợp ứng dụng chữ ký số” thành “Duy trì các ứng dụng cơ bản: thư điện tử, hệ thống quàn lỷ văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp trên toàn địa bàn TP và kết nối với Văn phòng Chính phủ, tích hợp ứng dụng chữ ký số;”.
 Bà Phan Lan Tú trình bày tờ trình
Đồng thời điều chỉnh một số nội dung trong ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp như “Kết nối ứng dụng một cửa điện tử với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và liên thông giữa các cấp” thành “Hoàn thiện, triển khai hệ thống một cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành”.

Chương trình cũng bổ sung nhiệm vụ: Phê duyệt Khung kiến trúc Chính phủ điện tử và triển khai xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử chi tiết sau khi Khung kiến trúc được phê duyệt. Triển khai cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội. Xây dựng thành phố thông minh: Hình thành Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố và một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh (giao thông, y tế, du lịch, giáo dục, năng lượng, môi trường thông minh...)...

Về mức kinh phí thực hiện Chương trình cũng điều chỉnh tăng lên 3.000 tỷ đồng. Trong đó: Hỗ trợ hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội: 100 tỷ đồng; Xây dựng Chính quyền điện tử: 1.900 tỷ đồng; Xây dựng thành phố Thông minh: 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, thẩm tra về nội dung này, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP đồng tình việc cần thiết điều chỉnh nội dung Chương trình, để đảm bảo phù hợp với các định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, TP về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước từ nay đến năm 2020. Đồng thời, sớm hoàn thành nền tảng của Chính phủ điện tử giúp bộ máy chính quyền TP hiện đại, hoạt động hiệu quả và minh bạch hon, cải thiện mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng các dịch vụ được chính quyền cung câp, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Hình thành các thành phần cơ bản của thành phố thông minh, tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý trong một số lĩnh vực như: giao thông, du lịch, an ninh trât tự, môi trường....

Đồng thời, Ban VHXH cũng lưu ý, nội dung điều chỉnh thực hiện Chương trình giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 có bổ sung nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh. TP cấn hướng tới đồng bộ trong triển khai xây dựng thành phố thông minh.

Về điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình đến năm 2020, trước băn khoăn của Ban Văn hóa xã hội HĐND TP về đảm bảo tính phù hợp và khả thi thực hiện giai đoạn 2016 - 2020 đề nghị cân nhắc chỉnh sửa điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu: "Phấn đấu 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4". Vì không phải thủ tục hành chính nào cũng có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; có những thủ tục hành chính không có nhu cầu phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ này hoặc không thể cung cấp trực tuyến ở mức độ 3...
Ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết số 05/2015/NQ-HĐND ngày 01/12/2015 của HĐND TP giai đoạn 2016-2017, UBND TP cũng cho biết: TP đã xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành. Trong đó, kết nối mạng diện rộng (WAN) tới các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã vả 584 UBND xã, phường, thị trấn. Tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin đảm bảo hạ tầng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ cán bộ, công chức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trục tuyến. TP cũng đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và đưa vào khai thác hiệu quả từ năm 2016 để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của TP.

Đồng thời, việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường... được đẩy mạnh. Hà Nội là TP đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến. Cũng là TP đầu tiên triển khai diện rộng hệ thống quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân và hệ thống quản lý tầm soát ung thư sớm.

Dự kiến đến 31/12/2017, TP sẽ hoàn thành triển khai đồng bộ hệ thông quản lý đơn thư, khiếu nại tố cáo tới các Sở, ban, ngành và 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Cùng với đó, tiếp tục duy trì ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành nội bộ. Hoàn thành thí điểm số hóa toàn bộ dữ liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp...
 Kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa XV
Trong ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp, TP đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến đồng bộ, tăng về số lượng và phạm vi, quy mô cũng như số lượng người tham gia. Từ năm 2016 đến nay, TP đã triển khai và đưa vào vận hành 156 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (bao gồm cả các dịch vụ công trực tuyến do các Bộ chuyên ngành triển khai) nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến của TP hiện có lên 451 dịch vụ (tăng 52,9% so với năm 2015), đạt gần 24% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước TP. Dự kiến hết năm 2017 sẽ hoàn thành thêm 154 dịch vụ mức độ 3 nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 32%. Đồng thời, hình thành hệ thống phần mềm một cửa liên thông 3 cấp của TP tích hợp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 gắn với rà soát các thủ tục hành chính và xây dựng quy trình ISO thống nhất trong các cơ quản lý nhà nước của TP.

Năm 2017, TP cũng đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển khai các thành phần quan trọng xây dựng thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của thành phố; Hệ thống giao thông thông minh; Hệ thống du lịch thông minh.
“Chúng ta cũng không thể đi ngược dòng”
Trước khi HĐND TP thông qua Nghị quyết, thảo luận về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đỗ Thùy Dương nhấn mạnh: Hiện nay đã có 178 TP trên thế giới tham gia xây dựng TP thông minh nên chúng ta cũng không thể đi ngược dòng.
Bên cạnh đó, đại biểu Thùy Dương cũng lưu ý TP cần nhắc đến chuyển đổi về biên chế và lao động, phương án tạo ra nguồn nhân lực chiến lược, cơ chế chính sách cho lãnh đạo sở ngành cam kết thành công thực hiện triển khai chương trình y tế thông minh, giáo dục thông minh…
Trả lời những điều đại biểu Thùy Dương quan tâm, thay mặt UBND TP, Giám đốc Sở TT&TT Phan Lan Tú cho biết, khung kiến trúc TP thông minh và đang được Chính phủ giao cho Bộ TT&TT xây dựng.
Trên cơ sở đó, TP sẽ định hình xây dựng TP thông minh với những cách thức tiếp cận khác nhau. Đối với Hà Nội có lộ trình cụ thể gồm 3 giai đoạn gồm: xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng cơ bản của TP thông minh; tiếp tục hình thành những nền tảng thông minh khác, thu hút người dân tham gia và quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; phát triển TP thông minh ở mức độ cao…
Về kinh phí, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, TP dành 6 nghìn tỷ đồng để triển khai theo phương thức thuê dịch vụ CNTT và thu hút nguồn xã hội hóa. Về chính sách thu hút đầu tư và thu hút truyền thông, hàng năm UBND TP sẽ báo cáo HĐND TP các giải pháp và lộ trình cụ thể.
Về thu hút nguồn nhân lực cao, TP có chương trình đạo tạo hệ thống cán bộ công chức trong lĩnh vực này. Đồng thời, vừa đào tạo vừa truyền thông cho người dân để trở thành những “công dân thông minh” và có chính sách bổ sung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…