Bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép vào Bộ luật Hình sự

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều ngày 20/6, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 với hơn 88,39% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Tại báo cáo giải trình và tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết cho thấy, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ lợi dụng kinh doanh đa cấp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại về tài sản cho hàng chục nghìn người, gây bức xúc trong xã hội.
 "Đại tá rởm" Lê Xuân Giang, mạo danh, dùng đủ mọi chiêu trò để lừa người dân (Ảnh: Infonet)

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống loại hành vi này về mặt hình sự, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã quy định xử lý hình sự trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung của giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nếu thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trường hợp người nào lợi dụng việc kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không xử lý về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp mà sẽ xử lý hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174), nếu có yếu tố sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì sẽ xử lý hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290).
Thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm
Về sửa đổi, bổ sung Điều 19 - Không tố giác tội phạm của Bộ luật hình sự năm 2015, có ý kiến đề nghị giữ phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa như Bộ luật hình sự năm 2015 để bảo đảm nhất quán về chính sách hình sự của Nhà nước ta, tăng cường trách nhiệm công dân của người bào chữa trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng.
Có ý kiến đề nghị quy định chính sách đối với người bào chữa tương tự như chính sách đối với ông, bà, cha, mẹ, anh chị em ruột... của người phạm tội quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015. Có ý kiến đề nghị chỉ nên giới hạn Luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội và đang thực hiện tội phạm nhằm ngăn ngừa hậu quả xảy ra và chỉ đối với một số tội nhất định mà không mở rộng sang cả giai đoạn tội phạm đã thực hiện. Có ý kiến đề nghị không quy định Luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm

Giải trình về vấn đề này, báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ, năm 2015, cân nhắc đặc thù của hoạt động bào chữa, mối quan hệ giữa người bào chữa với người được bào chữa nên tại Bộ luật hình sự năm 2015, Quốc hội đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn chính sách này theo hướng thu hẹp một phần phạm vi trách nhiệm hình sự của người bào chữa so với công dân khác trong việc không tố giác tội phạm.

Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa.
Do đó, Bộ luật hình sự năm 2015 đã xác định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa thực hiện đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng (ở cả 3 giai đoạn: chuẩn bị phạm tội, đang thực hiện tội phạm và đã thực hiện tội phạm), còn đối với các tội khác được quy định tại Điều 389 thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ở 02 giai đoạn chuẩn bị phạm tội và đang thực hiện tội phạm; không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với giai đoạn đã thực hiện tội phạm.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu một phần ý kiến của đại biểu Quốc hội, của Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam để chỉnh lý khoản 3 Điều 19 của Bộ luật hình sự 2015 theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm.