Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối quản lý nợ công

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/11, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Nhiều ý kiến thống nhất, chỉ nên giao cho 1 cơ quan là đầu mối quản lý nợ công là Bộ Tài chính, tránh gây chồng chéo.

Quản lý việc huy động và sử dụng vốn vay
Theo các ĐB, trong điều kiện nợ công tăng cao, việc quy định như 3 đầu mối hiện nay (Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và Ngân hàng Nhà nước) là chồng chéo, dẫn đến tình trạng quản lý nợ công phân tán, không rõ trách nhiệm, không gắn kết giữa việc vay nợ với việc quản lý ngân sách Nhà nước và trả nợ. "Việc thống nhất một cơ quan quản lý đầu mối nợ công trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính là hợp lý" - ĐB Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) phát biểu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (tỉnh Đắk Nông) phát biểu tại phiên họp.
ĐB Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) cũng phân tích 3 lợi ích khi giao về Bộ Tài chính. Đó là trách nhiệm vay, trách nhiệm cân đối nguồn và trách nhiệm trong chống lãng phí. Thứ hai, tăng niềm tin và giảm phiền hà cho người cho vay, cho đơn vị sử dụng vốn vay. Thứ ba, đưa được toàn bộ danh mục vay về một cơ quan quản lý, sẽ nhanh chóng có được bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ ngoài nước, nợ dài hạn, ngắn hạn. Từ đó, tạo thuận lợi cho công tác phân tích nợ, giảm rủi ro nợ và đánh giá được tổng thể vay. ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình: Theo mô hình và kinh nghiệm quốc tế, hầu hết các quốc gia chỉ có một cơ quan quản lý đàm phán vay nợ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính được giao đơn vị đầu mối xây dựng tổng mức vay, khả năng, cơ cấu nguồn vay; phương án vay và xác định nguồn để trả nợ.
Hạn chế vay nước ngoài
Việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công cũng còn nhiều vấn đề được các ĐB đặt ra và cho rằng, cần tiếp tục giám sát chặt chẽ. Theo ĐB Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định), nợ công đã tăng 300%, từ 1,1 triệu tỷ đồng năm 2011 đến năm 2017 là 3,13 triệu tỷ đồng. Theo ĐB: "Hàng năm Quốc hội phê chuẩn dự toán phân bổ vốn nước ngoài không sát, thường cuối năm giải ngân nhiều nghìn tỷ đồng, dẫn tới nhiều năm phải bổ sung dự toán. Tức là ở thế việc đã rồi. Từ đó dẫn đến việc không quản lý tốt các khoản vay nước ngoài. Như vốn ODA, nhiều lần Chính phủ đã phải báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh các khoản vay ODA vượt dự toán".
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Chính phủ hạn chế một loạt các khoản vay. Về ODA, sau khi tính toán sẽ hạn chế vay nguồn thương mại vì lãi suất quá cao bình quân 6-7%, cao hơn lãi suất đang huy động trong nước 14 - 15 năm (chỉ 6%). "Nhà tài trợ rất muốn cho mình vay, đây là thời điểm buộc ta phải lựa chọn" - Bộ trưởng nhấn mạnh và cũng bày tỏ lo ngại: "Thực tế Quốc hội thông qua vay nước ngoài 300.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư trung hạn, nhưng thực tế đến nay đã ký cam kết vay 450.000 tỷ đồng và nguy cơ vượt khá hiện hữu. Nhu cầu đầu tư lớn, bây giờ mà trồi thêm 1 đồng là toàn bộ chỉ tiêu bội chi nợ công rất gay go".
Về bảo đảm an toàn nợ công, các ĐB đồng tình Quốc hội đặt mục tiêu nợ công hàng năm không quá 65% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP nhưng "nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia tính so với tổng kim ngạch xuất khẩu cũng cần phải xem lại". Theo ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), tổng kim ngạch xuất khẩu không nói lên nhiều về khả năng trả nợ công, vì nếu xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu còn nhiều hơn nữa thì thành ra nhập siêu, cũng không có nguồn ngoại tệ mà trả. Do đó, đề nghị nên điều chỉnh chỉ tiêu trả nợ nước ngoài, xem xét so với dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần