Không có chuyện “đặc cách” cho Formosa để tạo tiền lệ cho bất kỳ DN nào

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là khẳng định của Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức tại cuộc họp báo thường kỳ, quý IV/2017 của Bộ TN&MT, do Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì, trước câu hỏi của phóng viên xoay quanh vấn đề xả khí thải tại lò thiêu kết của Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS).

Theo ông Thức, việc kiểm soát môi trường tại Formosa Hà Tĩnh đang được lực lượng chức năng thực hiện thông qua việc theo dõi số liệu quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và hoạt động quan trắc chất thải định kỳ hàng ngày. Các số liệu quan trắc tự động, liên tục khí thải đều được theo dõi và truyền số liệu về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường.
Các vi phạm, tồn tại về bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề xử lý khí thải tại Xưởng thiêu kết đã được Bộ TN&MT xác định đầy đủ và Bộ trưởng Bộ TN&MT đã yêu cầu FHS có Kế hoạch khắc phục tại Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT ngày 9/11/2016, đảm bảo các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường của FHS phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường của quốc tế.
Theo ông Hoàng Văn Thức, việc phát thải của FHS trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hiện nay đang được Bộ TN&MT giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục.
Formosa Hà Tĩnh đã cam kết đầu tư trên 100 triệu USD để lắp đặt thiết bị khử SO2, NOx của Xưởng thiêu kết, hoàn thành vào tháng 6/2019. Việc phát thải của FHS trong giai đoạn vận hành thử nghiệm hiện nay đang được Bộ TN&MT giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục. Các thông số ô nhiễm đo được trong nước thải, khí thải của các nhà máy, xưởng sản xuất đều đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Riêng tại Xưởng thiêu kết, các thông số bụi tổng, dioxin/furan, hơi kim loại,… đều thấp hơn nhiều lần so với QCVN 51:2013/BTNMT.
Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với QCVN 51:2013/BTNMT. Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải. Từ kết quả giám sát trong quá trình vận hành thử nâng công suất, FHS sẽ đầu tư bổ sung công nghệ, thiết bị xử lý đáp ứng nghiêm ngặt QCVN.
Ông Thức cho biết thêm, hiện nay, để giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu về khí thải, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ TN&MT, cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng không chỉ áp dụng quy chuẩn của Việt Nam mà còn áp dụng các tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ và yêu cầu FHS thực hiện nghiêm túc Kế hoạch khắc phục nêu trên theo đúng tiến độ. “Không có chuyện “đặc cách” cho Công ty Formosa Hà Tĩnh để tạo tiền lệ cho bất kỳ doanh nghiệp nào. Tất cả các vấn đề về môi trường tại các doanh nghiệp phải tuân thủ đúng pháp luật”, ông Thức khẳng định.
Liên quan đến quy định mới trong cấp “sổ đỏ” về việc ghi tên thành viên hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, đại diện Bộ TN&MT, ông Mai Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, một lần nữa khẳng định trước báo giới, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT để hướng dẫn cụ thể hơn việc ghi tên người sử dụng đất là hộ gia đình sử dụng đất trên Giấy chứng nhận. Nội dung quy định này chỉ hướng dẫn về cách ghi tên người sử dụng đất trên GCN đối với trường hợp quyền sử dụng đất của chung hộ gia đình; đối với đối tượng sử dụng đất còn lại (như của cá nhân, của vợ và chồng,…) thì vẫn áp dụng theo quy định hiện hành.

Tại cuộc họp báo, với tư cách là đơn vị trực tiếp thực hiện quy định trên, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, quy định này không ảnh hưởng gì đến các thủ tục cấp GCN của Hà Nội, quy định đã cụ thể hóa cách ghi GCN đối với đối tượng áp dụng là “hộ gia đình”, giúp những người thực hiện dễ làm hơn. “Trước đây, vì cách ghi GCN đối với hộ gia đình còn chung chung, chưa chặt chẽ cho nên trong năm 2017, Hà Nội cũng phải giải quyết 4 vụ khiếu kiện liên quan đến GCN “hộ gia đình”, ông Nghĩa chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần