Bỏ thu tự nguyện trong trường học: Sẽ hết cảnh lạm thu?

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc bãi bỏ quy định thu, chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường nhận được sự đồng tình của phụ huynh học sinh. Nhiều người khấp khởi mừng bởi từ nay sẽ không còn phải chịu cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi nộp tiền “tự nguyện” mà không hề tự nguyện.

Hà Nội đi đầu thực hiện 
Tại Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội đã bãi bỏ Điều 11 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của TP, trừ các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao. Trong đó, Điều 11 có nội dung về thu, chi các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường.
 Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng

Quy định nêu rõ: "Trong trường hợp ngân sách Nhà nước và khoản thu học phí chưa đáp ứng được hết các nhu cầu sửa chữa nhỏ, mua sắm trang thiết bị, các trường được huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh. Bên đóng góp không được gắn bất kỳ điều kiện ràng buộc nào về đặc quyền, đặc lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đã đóng góp cho nhà trường".

Như vậy, kể từ ngày 5/2/2018, các trường công lập trên địa bàn Hà Nội, trừ các trường công lập chất lượng cao, sẽ không được phép thu các khoản đóng góp tự nguyện. Quy định này khiến nhiều phụ huynh vui mừng bởi tới đây không còn phải khốn khổ vì chuyện lạm thu.

Thực tế nhiều năm qua, các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa hoặc mua sắm trang thiết bị gây không ít bức xúc cho phụ huynh khi một số trường lợi dụng để lạm thu. Đầu năm học 2017 - 2018, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phát hiện và xử lý gần 20 trường có những khoản thu không đúng quy định. Trường Mầm non Đại Thịnh, Tiểu học Thanh Lâm (huyện Mê Linh) phải dừng các khoản thu xã hội hóa trường, lớp, sân trường và mua đồ chơi; trường Mầm non Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) dừng thu tiền mua tivi, cây xanh... THCS Văn Quán (quận Hà Đông), Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy) được yêu cầu trả lại tiền mua máy điều hòa...Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu nhiều trường thu sai đã bị khiển trách và yêu cầu trả tiền chophụ huynh.

Ông Nguyễn Viết Cẩn – Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, ngay sau khi có quyết định bãi bỏ của UBND TP, Sở sẽ có hướng dẫn chi tiết bằng văn bản tới các trường trên địa bàn.

Sẽ áp dụng toàn quốc

Bày tỏ về quy định này, chị Nguyễn Bích Đào (thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh) cho biết: Vợ chồng tôi có 2 đứa con, một đứa học lớp 2, một đứa lớp 6, đồng lương công nhân eo hẹp, các khoản thu tự nguyện đầu năm học đối với gia đình tôi là vô cùng khó khăn. Với quy định này, hy vọng từ học kỳ 2 của năm học 2017 - 2018, chúng tôi sẽ không bị nặng gánh bởi các khoản thu tự nguyện như trước.

Còn chị Trần Bích Thủy (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) cho rằng, quy định này đáng ra phải được thực hiện từ lâu. Hà Nội cũng như cả nước, đầu năm học nào cũng xảy ra chuyện lạm thu khiến phụ huynh vô cùng bức xúc. Hy vọng từ nay, các trường sẽ nghiêm túc thực hiện, không còn cảnh phụ huynh phải "méo mặt" khi đóng các khoản tự nguyện.

Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết: Quy định về bãi bỏ thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường được áp dụng trong toàn quốc. Ông Khánh giải thích thêm, thời gian qua, nhiều trường thực hiện tự nguyện theo kiểu áp đặt là không đúng quy định. Việc thực hiện xã hội hóa, thu chi tự nguyện phải dựa theo Nghị định 59/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và đặc biệt là những hướng dẫn chi tiết trong Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT về tài trợ cho các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Như vậy, việc bãi bỏ Điều 11 này được kỳ vọng khắc phục tình trạng lạm thu, dưới danh xưng khoản thu tự nguyện như trước đây. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra việc thực hiện quy định tại các địa phương, đơn vị nào thực hiện sai quy định, người đứng đầu cơ sở sẽ bị xử lý nghiêm.

Chúng tôi vô cùng phấn khởi khi Hà Nội đi đầu trong việc thực hiện bỏ thu khoản tự nguyện này. Phụ huynh sẵn sàng đóng góp, nhưng tất cả các khoản thu, chi cần được sử dụng đúng mục đích và quan trọng phải công khai, minh bạch. Thực tế, năm học nào cũng có những trường lạm thu, thiếu minh bạch khiến phụ huynh bức xúc.

Chị Nguyễn Thu Lam (Cầu Giấy, Hà Nội)

Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố đường dây nóng của Sở (0902139764) và của 30 quận, huyện để tiếp nhận các thông tin phản ánh thu sai quy định và mong nhận được các ý kiến phản ánh của phụ huynh. Những phụ huynh phản ánh sẽ được giữ kín về thông tin cá nhân, tránh lo ngại con em ở trường có thể bị trù dập, phân biệt đối xử.