Bộ trưởng Bộ Công Thương nói gì về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung?

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết tình hình 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 vào sáng 9/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đã báo cáo lên Chính phủ những nhận định ban đầu cũng như một số đề xuất cụ thể khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính thức bắt đầu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Internet. 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đây là vấn đề lớn, phản ánh cuộc cạnh tranh quyền lực chứ không đơn thuần là tranh chấp thương mại giữa hai nước, vì vậy cần phải đánh giá sâu hơn ở nhiều khía cạnh. Thực tế, Mỹ không chỉ dùng các đòn phòng vệ thương mại với Trung Quốc mà còn với ngay cả các quốc gia đồng minh. Do vậy, cuộc chiến thương mại đang diễn ra đặt nhiều yêu cầu đối với từng quốc gia trong định hướng tiếp theo của toàn cầu hóa.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cuộc chiến thương mại này không chỉ là ở các sắc thuế mà còn cả về bản quyền công nghệ, cơ cấu kinh tế, chính sách tiền tệ, tín dụng… Từ cuộc chiến này đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu. “Chúng ta cần định hướng rất rõ, nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng cũng cảnh báo việc Mỹ áp hàng chục sắc thuế với hành hóa Trung Quốc hoàn toàn có thể dẫn đến nguy cơ hàng hóa Trung Quốc sẽ chảy vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. “Hoàn toàn có nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào nội địa Việt Nam. Chúng ta cần đặt ra vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề này. Không chỉ là Bộ Công Thương, mà còn là cơ quan Thuế, Hải quan, DN, người tiêu dùng... Cần xem lại luật cạnh tranh, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có chính sách tự vệ với thép. Tuy nhiên còn rất nhiều mặt hàng có nguy cơ như dệt may, da giày, đồ gỗ… Các sản phẩn này hoàn toàn có nguy cơ tràn từ Trung Quốc vào Việt Nam. Vì vậy, các đơn vị chức năng cần nghiên cứu biện pháp cụ thể một cách nhanh chóng. Theo đó, Bộ Công Thương cần có biện pháp cả về nghiên cứu thị trường, tổ chức trong triển khai thực hiện. Cần đánh giá được tầm vóc của nguy cơ đó và đưa ra đề xuất. Cũng cần làm tốt thông tin thị trường, cung cấp thông tin cho DN, tăng cường kiến tạo cho DN trong giai đoạn tới.
Sau nhiều lần đe dọa, Mỹ đã chính thức áp dụng mức thuế quan bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc - trị giá lên đến 34 tỷ USD vào ngày 6/7 vừa qua. Không chỉ vậy, 16 tỷ USD hàng hóa khác có thể sẽ bị đánh thuế vào 2 tuần tiếp theo. Thậm chí, theo Tổng thống Trump, tổng số hàng hóa mà Trung Quốc có thể bị đánh thuế có khả năng lên đến 550 tỷ USD.
Động thái này đã phần nào hiện thực hóa lời hứa của ông Trump với cử tri nước Mỹ đã ủng hộ ông, đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 đang đến gần. Dù vậy, những leo thang này đã đẩy kinh tế thế giới - mới bước vào giai đoạn phục hồi - lại có nguy cơ suy giảm do khả năng trả đũa và leo thang của hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc.