Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát khâu coi thi, chấm thi trên toàn quốc

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm thì báo cáo Bộ GD&ĐT và căn cứ tình hình có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra.

Bộ GD&ĐT đề nghị rà soát khâu coi thi, chấm thi trên toàn quốc.
Chiều 21/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 đã có công văn gửi Trưởng Ban chỉ đạo thi các tỉnh, TP.
Theo đó, ngay sau khi công bố kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ GD&ĐT đã tổ chức phân tích dữ liệu kết quả thi. Trên cơ sở phát hiện các dấu hiệu bất thường và kết quả thi ở một số địa phương và tiếp nhận thông tin phản ánh của dư luận xã hội, Bộ GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cũng như thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ GD&ĐT cũng đẩy nhanh tiến độ chấm thẩm định bài thi theo Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành.

Nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, kiên quyết nói không với tiêu cực, gian lận trong tổ chức thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo thi nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức của kỳ thi tại địa phương, nhất là coi thi và chấm thi.

Trong quá trình rà soát, nếu có phát hiện sai phạm thì kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT và căn cứ vào tình hình cụ thể có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chưc, cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của quy chế và pháp luật.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Ban chỉ đạo thi tỉnh, TP triển khai công tác phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo theo kế hoạch tổ chức kỳ thi. Công tác này đảm bảo đúng quy định của quy chế và quyền lợi chính đáng của thí sinh.

Các Trưởng Ban chỉ đạo thi phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai công tác chấm thẩm định theo yêu cầu của Bộ GD&DT. Đồng thời, tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2018 theo tinh thần trung thực, nghiêm túc, báo cáo Bộ GD&ĐT. Và, phổ biến, quán triệt, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các kỳ thi tiếp theo.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các Trưởng ban chỉ đạo chỉ đạo, quán triệt công tác truyền thông đảm bảo chính xác, khách quan, kịp thời, không để lợi dụng những sai phạm trong kỳ thi tuyển sinh làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, làm tổn thương đến đội ngũ nhà giáo cũng như gây tâm lý hoang mang trong học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần