Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giá dịch vụ đào tạo là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Tại cuộc thảo luận tổ ĐB Quốc hội đoàn Hải Phòng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Giá dịch vụ đào tạo phải được hiểu là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có.

Cần quy định rõ ràng hơn để các trường được tăng cường việc tự chủ
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng), qua ý kiến cử tri và thảo luận cho thấy, việc sửa đổi Luật Giáo dục là điều cần thiết. Bởi, tại Nghị quyết 29 T.Ư đề ra mục tiêu giáo dục con người Việt Nam yêu gia đình, đồng bào, Tổ quốc. Tuy nhiên, hiện nay các em đang có nhiều hành vi vi phạm đạo đức lối sống nên cần đưa mục tiêu giao dục ý thức là điều cần thiết. Trong mục tiêu, cần tăng tính tư duy để đảm bảo tính sáng tạo trong phát triển việc học, tiếp thu kiến thức tránh học thuật vàphải đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế.
 Đại biểu Bùi Thanh Tùng phát biểu.
Ngoài ra, trong khoản 1, điểm e, Điều 77 có nêu: Giáo viên trình độ đại học phải có bằng thạc sỹ là hơi cứng nhắc. Vì trên thực tế, giáo viên trợ giảng và thỉnh giảng ở các trường hiện nay không nhất thiết phải có bằng thạc sỹ. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy có nhiều kỹ sư, cử nhân đang làm việc trong các tổ chức ngoài xã hội không cần có bằng thạc sỹ vẫn làm việc tốt với kinh nghiệm nhiều năm công tác. Nếu chúng ta biết tận đụng được đội ngũ này thì sẽ phát huy được vai trò của họ để phát triển đất nước.
Đối với vấn đề tự chủ trong giáo dục, đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng, thực tế hiện nay cho thấy nếu không sửa luật sẽ vướng. Ví dụ, đối với vấn đề đầu tư vật chất trong các trường thì các quận, huyện sẽ tự quyết định việcmua sắm chứ trường không được quyết định; hay như trong việc tuyển đội ngũ cán bộ các trường vẫn chưa được tự chủ… từ đó, đại biểu Tùng cho rằng cần xem xét thấu đáo để khi thực hiện tránh chồng chéo.
Với Luật Giáo dục đại học sửa đổi khá nhiều nên đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại một số quy định như: Quy định thành lập trường đại học vùng, cơ chế hoạt động, cơ cấu tổ chức của các trường… Khi nghiên cứu lại cần quy định rõ ràng hơn để các trường được tăng cường việc tự chủ, gắn với tự chịu trách nhiệm và không phân biệt trường công với tư.
Nên sửa đổi toàn diện và có tầm nhìn
Phát biểu tại cuộc thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) cho rằng: Nên sửa đổi toàn diện và có tầm nhìn để Luật Giáo dục trở thành luật khung và từ đó có cơ sở để sửa đổi các luật khác.
Đi vào cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, nếu quy định tuổi cứng như dự thảo luật thì sẽ gây khó khăn trong quá tình thực hiện việc đi học; độ tuổi giáo dục mầm non không nên quy định cứng là 3 tháng mà nên đổi tối thiểu thành 6 tháng.
 Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phát biểu.
Đối với miễn giảm chính sách người học (không giảm học phí sư phạm), đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung cho rằng, hiện nay sinh viên vào sư phạm đầu vào chưa có chọn lọc, chưa có đánh giá cung với cầu do đó sinh viên sư phạm sau khi ra trường thất nghiệp rất nhiều. Thực tế cho thấy, tại các khu công nghiệp có nhiều sinh viên phải giấu bằng sư phạm để làm công nhân kiếm sống vì không xin được việc sau khi ra trường. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần phải xem xét thấu đáo để có điều chỉnh hợp lý tránh hiện tượng cầu không đáp ứng cung như bây giờ.
Riêng đối với quy định đổi việc gọi học phí sang tên khác là giá dịch vụ như dự thảo gây khó hiểu và không phù hợp với môi trường sư phạm. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên quy định như trước.
 Giá dịch vụ đào tạo để phù hợp với tính đúng, tính đủ theo Luật giá 
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, liên quan đến vấn đề học phí đổi thành giá dịch vụ đào tạo là do mọi người hiểu chưa rõ. “Trong điều 105 Luật Giáo dục ghi rõ là học phí và vẫn dùng cụm từ học phí chứ không bỏ. Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ một phần hoặc toàn bộ. Tên gọi đó vẫn còn. Tôi khẳng định vẫn gọi là học phí chứ không ai bỏ học phí” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì căn cứ theo Luật Giá, học phí không phải bao trùm tất cả chi phí mà cơ sở đào tạo cung cấp. Trong đó, có một số loại chi phí do Nhà nước đặt hàng và những chi phí này áp dụng theo Luật giá thì mới tính được giá. Bộ GD&ĐT đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá đã được áp vào chứ không phải tính tuỳ tiện. Ngay cả lệ phí thi, giờ không gọi là lệ phí nữa mà giá dịch vụ này cũng phải được xem xét và Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành.
Giải thích thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc không gọi học phí mà là giá dịch vụ đào tạo để trong quá trình tổ chức hoạt động đào tạo hay khoản tiền mà đơn vị được thu và tính trong các định mức thì cũng phải xây dựng thang tính đúng, tính đủ. Như vậy, giá dịch vụ đào tạo phải được hiểu là những chi phí tính đúng, tính đủ mà một cơ sở đào tạo cần phải có để cung cấp dịch vụ giáo dục đại học.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thêm một điều là giá dịch vụ đào tạo để phù hợp với tính đúng, tính đủ theo Luật giá chứ trong Luật Giáo dục vẫn gọi là học phí. Tinh thần là các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập từng bước tính đúng, tính đủ theo giá dịch vụ chứ giá dịch vụ không phải là thương mại hoá. Còn các cơ sở giáo dục đại học công lập được tính toán một cách minh bạch các chi phí. Trong thực tế, chi phí cho một hoạt động đào tạo một học sinh, sinh viên tính vào học phí mà người học phải trả ở trường công lập chưa đủ. Học phí chỉ là một phần và phần còn lại tương đối lớn thì Nhà nước vẫn phải chi.