Bộ trưởng KH&CN nói về đề tài nghiên cứu khoa học xong "bỏ ngăn kéo"

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng: "Đề tài nghiên cứu khoa học bỏ ngăn kéo là cách nói ví von, chúng tôi rất trăn trở về việc này".

Chiều 19/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời về nhóm vấn đề hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các thành viên Chính phủ và các Bộ trưởng khác cũng tham gia trả lời cúng Bộ trưởng Bộ KH&CN.
 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Thành phần tham dự phiên họp chất vấn gồm: Thành viên UBTVQH; Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội (toàn bộ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương); đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương; lãnh đạo các cơ quan thuộc UBTVQH; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Đại diện lãnh đạo: Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về nhóm vấn đề: Hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội. Công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động. Ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan (nếu có).
Chậm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu
Chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&CN, các đại biểu nêu hàng loạt vấn đề như hiệu quả ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; ứng dụng KHCN tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế... 
Tại buổi chất vấn, đại biểu Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ chế, chính sách trong thời gian tới giúp cho các viện, trường đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu?
Khẳng định đây là trọng tâm công tác và trăn trở của Bộ KHCN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng một hạn chế xuyên suốt thời gian qua là chậm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Trong thời gian tới bên cạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, Bộ KHCN sẽ đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh quá trình này.

Thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Khẳng định hiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy đưa khoa học công nghệ vào sản xuất đã được thay đổi, và tập trung rõ nhất tại Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng chỉ rõ, quá trình triển khai thi hành Luật hiện hành vẫn đang thiếu đi sự quan tâm của doanh nghiệp, cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, ủng hộ về quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ không chỉ nghiên cứu khoa học, mà còn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo bao gồm cả thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu, để giúp tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, sáng tạo.

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã bắt tay với các bộ, ngành để cùng vào cuộc. Ví dụ, để thực hiện chủ trương nuôi tôm theo chuỗi giá trị, phấn đấu đạt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 10 tỷ USD, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ngay lập tức chỉ đạo các viện nghiên cứu tham gia từ khâu giống, kỹ thuật thả nuôi, chế biến phụ phẩm... Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ kỳ vọng với tinh thần này, bước đi đúng hướng và cách làm đã rõ, thì hiệu quả của thả nuôi tôm sẽ thực sự thay đổi.

Khắc phục "đề tài nghiên cứu bỏ ngăn kéo"
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt câu hỏi: "Bộ trưởng cho biết, hàng năm ngân sách Nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và có hay không tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học bỏ ngăn kéo?". Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ một số đề tài nghiên cứu nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội không gắn với hiệu ứng dụng, cần có giải pháp cụ thể hơn?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng: "Bỏ ngăn kéo" là cách nói ví von, chúng tôi rất trăn trở về việc này". Bộ trưởng cũng mong các đại biểu chia sẻ bởi một số đặc thù khoa học có độ trễ, rủi ro, có những nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ công ích... Để giải quyết được một các hệ thống tình trạng "đề tài nghiên cứu bỏ ngăn kéo", Bộ tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu khoa học công nghệ. 
Về câu hỏi các đề tài khoa học xã hội không gắn với ứng dụng, Bộ trưởng cho biết, qua rà soát, làm việc, phối hợp, hiện nay các tỉnh thành tập trung nghiên cứu vào những vấn đề trọng tâm nhất của tỉnh, các đề tài khoa học xã hội đang xoay hướng nghiên cứu rất mạnh. 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng đặt câu hỏi về đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu, khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Bộ trưởng cho biết, khoa học xã hội nhân văn thời gian qua đã có những biến chuyển. Trong đó, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và thời gian tới sẽ có những thay đổi. Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường sức đóng góp của khoa học xã hội nhân văn trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, tình trạng trùng lặp trong giao nhiệm vụ khoa học công nghệ giữa các bộ ngành và địa phương; kết quả nghiên cứu của các đề tài chưa ứng dụng hiệu quả và sử dụng ứng dụng dẫn đến lãng phí nguồn lực lớn. Bộ Khoa học Công nghệ cần phải nhìn nhận trách nhiệm và đưa ra giải pháp khắc phục.

Nhận rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học Công nghệ trong quản lý nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, lưu giữ và công bố kết quả nghiên cứu khoa học; công khai minh bạch xử lý trùng lặp; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường kiểm tra rà soát ngày từ khâu đăng ký đề tài để tránh trùng lặp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Sĩ Lợi về phát huy vai trò của KHCN trong việc năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, Bộ trưởng cho biết, tinh thần chung của Chính phủ là tập trung mọi nguồn lực để nâng cao nâng suất lao động, theo đó, sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy vai trò của KHCN trong nâng cao năng suất nội ngành; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; cải thiện môi trường kinh doanh; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao, ứng dụng KHCN; đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần