Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Bất cập nhất là khâu chế biến

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Với hơn 80 đại biểu (ĐB) đăng ký chất vấn và tranh luận, nghị trường đã “nóng” lên bởi hàng loạt câu hỏi liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp sao cho bền vững.

Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Điệp khúc "được mùa mất giá" chưa có hồi kết
Một vấn đề không mới như giải cứu nông sản, "được mùa mất giá", "được giá mất mùa", thậm chí “mất cả mùa lẫn giá” tiếp tục được các ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau), ĐB Ngô Thanh Danh (đoàn Đắk Nông). Nguyễn Thanh Hải (đoàn Tiền Giang)… đặt ra và đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết giải pháp khắc phục, hỗ trợ nông dân.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề cập tới việc tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện tổng diện tích đất canh tác là 10 triệu héc ta, lương thực 4 - 5 triệu tấn, cá 8 triệu tấn, trong đó cây nông nghiệp đứng đầu về sản lượng. Nhưng bất cập nhất là khâu chế biến, thương mại hóa, nên khó giải quyết vấn đề được mùa mất giá, khó dự đoán được giá biến động. "Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, nông sản cũng vậy! ĐB có nói về cây hạt tiêu, Việt Nam sản xuất 350.000 tấn, trong khi thế giới có 600.000 tấn. Như vậy, chúng ta chiếm tới 60% của thế giới. Thừa đến như vậy cơ mà!"- Bộ trưởng cho hay.
Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 3 lần, vẫn ít
Trả lời các chất vấn của ĐB về giải pháp thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, số DN đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên hơn 11.000 DN, trải đều khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó có nhiều DN lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.
Khẳng định sản lượng nông nghiệp dư thừa như vậy cũng có trách nhiệm của Bộ và các ngành liên quan, do đó, theo Bộ trưởng, tới đây, cần tiếp tục rà soát phát huy lợi thế của địa phương, giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả, hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn. Đặc biệt cần tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thị trường. “Đầu tư chế biến sẽ tạo chuỗi giá trị sản xuất khép kín, có chế biến mới rải vụn sản phẩm, không có tình trạng tập trung chào bán trong một thời điểm” - Bộ trưởng nói. Đồng thời chia sẻ thêm, "nếu không tập trung vào chế biến thì câu chuyện thừa và thiếu vẫn xảy ra".
Cho rằng các lý do chủ quan do nông nghiệp chế biến, khách quan là kinh tế thị trường, thiên tai dịch họa không sai, ĐB Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội tranh luận thêm, “chúng ta không thể tách rời nông nghiệp mà phải nhìn ở “tam nông” - nông nghiệp, nông thôn, nông dân, và phải làm trọn vẹn vấn đề này”. ĐB đặt vấn đề, “trong nông nghiệp quan trọng nhất là chuỗi giá trị sản phẩm, đi từ sản xuất, qua chế biến, thị trường, Bộ trưởng có nói đến vấn đề này và nhấn mạnh chế biến, nhưng thực sự sản xuất đã quy chuẩn được chưa? Hiện nay, hội nhập quốc tế sâu rộng kèm theo đó là tính rủi ro sẽ rất cao”.
Tiếp tục tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng bày tỏ sự băn khoăn khi Bộ trưởng nói rằng, khâu tổ chức sản xuất không còn là số một. Vì theo ĐB, nếu tổ chức sản xuất không tốt lấy đâu ra sản phẩm tốt, lấy đâu ra sản phẩm để bán, bán cho ai và lấy gì để chế biến.
Trao đổi với các ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong điều kiện tổ chức sản xuất hiện nay, thị trường là khâu khó nhất. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại vừa qua, thì “từng cân rau, cân quả phải đấu tranh để bán hàng; khâu chế biến đang kém, hầu hết xuất thô, chứ không phải nói thế là coi nhẹ sản xuất”…
Đề xuất Quốc hội giảm nửa triệu héc ta đất lúa
Đưa ra vấn đề giá lúa, giá nông sản còn bấp bênh, ĐB Chau Chắc (đoàn An Giang) chất vấn về giải pháp làm gì để tăng giá trị và sức cạnh tranh của hạt gạo, xây dựng thương hiệu gạo, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: Lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh, các cường quốc xuất khẩu lúa gạo phải cạnh trạnh nhau trong chuỗi cung ứng. Theo Bộ trưởng, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa và thời gian qua Chính phủ nghiêm túc thực hiện chủ trương này. Hiện nay Việt Nam có 7,8 triệu héc ta đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu héc ta, tới đây Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 0,5 triệu héc ta, tương đương giảm 5 - 6 triệu tấn thóc, 3 - 4 triệu tấn lúa. "Chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được. Nhưng thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn" – Bộ trưởng nêu. Đồng thời cho biết, trước mắt, sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên nhóm giống phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị hạt gạo. Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng.
Tham gia giải trình thêm về các vấn đề liên quan, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, vấn đề bảo vệ đất nông nghiệp, hay quỹ đất dự trữ cho lâu dài là rất quan trọng. Đồng tình với việc tích tụ đất đai, nhất là trong thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn hiện nay, song Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng chia sẻ thêm, chúng ta cũng phải nhìn thấy, càng công nghệ cao thì quy mô đất càng ít đi, thực tiễn thế giới cho thấy điều này. Việc tập hợp, tích tụ ruộng đất là cần thiết và chúng ta đã có mô hình dồn điền đổi thừa thực hiện tốt ở nhiều địa phương; mô hình liên doanh, liên kết hình thành hợp tác xã, DN tham gia cung cấp giống, bao tiêu, người dân tham gia chuỗi giá trị này.
Cam kết Tết không thiếu thực phẩm
Dịch tả lợn châu Phi cũng là nội dung được nhiều ĐB đề cập. Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường liệt kê lại quá trình khắc phục dịch, trong đó cho biết, hiện nay đã rơi vào “điểm thấp nhất” của chu kỳ dịch bệnh. Nếu tháng 6/2018, đỉnh điểm phải tiêu hủy 1,2 triệu con lợn, thì hiện còn dưới 400.000 con lợn. Cho đến nay, 60% số xã qua 30 ngày dịch không còn phát hiện lại. Với những biện pháp đã triển khai, Bộ trưởng khẳng định, “bằng mọi biện pháp chúng ta đã hạn chế được mức thấp nhất trong hoàn cảnh cho phép”.
Đề cập giải pháp hỗ trợ DN và người dân tái đàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng ngay cơ chế chính sách, hỗ trợ các hộ chăn nuôi theo giá thành sản xuất (với mức hỗ trợ 70% giá thành). Đồng thời, có chính sách hỗ trợ 500.000 đồng/con giống để chuẩn bị tái đàn, tăng đàn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ 22.370 tỷ đồng cho 18 tỉnh bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Đến thời điểm này, tất cả các DN lớn và những hộ chăn nuôi đã tuân thủ tuyệt đối theo quy trình an toàn sinh học.
“Cách đây 3 tuần, chúng tôi về thăm Khoái Châu (Hưng Yên), riêng Khoái Châu có khoảng 30 hộ chăn nuôi, với khoảng 3.000 - 4.000 con/hộ nhưng không bị dịch, bởi họ đã tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học, từ khâu thức ăn, giống, người ra vào chăm sóc. Dịch bệnh nguy hiểm như thế nhưng chúng ta đồng lòng xử lý triệt để thì vẫn ngăn chặn được”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) về nguồn thực phẩm thịt lợn phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Bộ trưởng chia sẻ về phương án để không diễn ra tình trạng thiếu thực phẩm cuối năm, trong đó có tăng cường sản xuất các nhóm sản phẩm khác. 9 tháng qua, gia cầm đã tăng 12% sản lượng, thuỷ sản tăng 6,5%, đại gia súc tăng chậm hơn là 4%. Đồng thời cho biết có giải pháp tập trung vỗ béo để tăng sản lượng đại gia súc. Với sự gia tăng, cân đối đó sẽ đảm bảo "không khủng hoảng thiếu thực phẩm".
Bộ trưởng cũng thừa nhận văn hoá và thói quen ăn thịt lợn của người dân, không thể bỗng chốc thay thế bằng thực phẩm khác. Do đó, khi đã giảm đến đáy của dịch bệnh, Bộ đã chính thức yêu cầu các tỉnh, DN lớn, bà con chăn nuôi nơi nào có các mô hình quản trị đảm bảo an toàn, phải tập trung tăng đàn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng mong người dân thông cảm khi giá thịt lợn tăng từ 40.000 -45.000 đồng/kg lên 60.000 - 65.000 đồng/kg, vì giá thành sản xuất hiện cao hơn trước kia.
Trong phiên chất vấn, nhiều vấn đề khác liên quan đến phát triển cây trồng, vật nuôi cụ thể của các địa phương cũng được các ĐB đặt ra và được Bộ trưởng trả lời thẳng thắn. Như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã đưa ra giải pháp và trách nhiệm của ngành, cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và căn cơ, lâu dài để tạo những đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tăng tuyên truyền để sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản
Trả lời chất vấn về các giải pháp phát triển ngành thủy sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đề cập đến nhiều vấn đề trọng tâm. Trong đó, chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm mở rộng thị trường cho sản phẩm; giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản…
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, Sau khi Ủy ban châu Âu cảnh báo “thẻ vàng” với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo với các Bộ, ngành, và 28 địa phương ven biển để triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm của tàu cá và ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn chưa chấm dứt. Tuần sau, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu EC sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra, xem xét có gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam. Do đó, ngoài những giải pháp dài hạn, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các ĐB Quốc hội hỗ trợ giúp đỡ trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát ngư dân, cùng với lãnh đạo các địa phương triển khai tốt các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho thủy sản.
Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân vay đóng tàu
Cùng tham gia trả lời ĐB về vấn đề hỗ trợ ngư dân vay tiền đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Hiện tổng dư nợ cho vay là 10.500 tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 33%. NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc và thu lãi sau.
Trước tình hình nợ xấu còn phát triển, Bộ NN&PTNT cần tham mưu phương án để chính quyền địa phương quy hoạch lại các nhóm nghề khai thác, hướng dẫn ngư dân tổ chức lại khai thác hiệu quả hơn. Đồng thời phối hợp với ngân hàng rà soát các trường hợp nợ xấu. Trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục có biện pháp hỗ trợ, còn trường hợp chây ì, cố tình không trả thì kiên quyết thu hồi.
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và dịch vụ nông nghiệp Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) Hoàng Văn Hiền: Quan tâm hơn đến doanh nghiệp nhỏ và vừa
Rủi ro đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện vẫn rất lớn, trong khi lợi nhuận thu hồi rất chậm, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Do đó, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, có những cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, sát sườn hơn cho DN nông nghiệp nhỏ và vừa có thể tự tin đầu tư, mở rộng sản xuất.