Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Doanh nghiệp là “hạt nhân” giữ đàn lợn giống

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi, chiều 27/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp với các tập đoàn, trang trại chăn nuôi lớn, bàn giải pháp kiểm soát an toàn cơ sở giống và ngành hàng thịt lợn.

Thông tin tại cuộc họp, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2018, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,8 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% tổng sản lượng thịt các loại.
Đại diện Tập đoàn Mavin phát biểu tại cuộc họp 
Hiện, cả nước có khoảng 2,5 triệu hộ chăn nuôi với tổng đàn khoảng 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ khoảng 49% tổng đàn và chiếm khoảng 40% sản lượng thịt lợn hơi cả nước. Tổng số trang trại chăn nuôi lợn hiện khoảng 10.167, với số đầu lợn trên 14,4 triệu con. Ngoài ra, Việt Nam còn 3,97 triệu lợn nái sinh sản và 76.000 lợn đực giống.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến nay toàn thế giới đã có 59 quốc gia phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã xuất hiện tại 22 tỉnh, TP, tổng số lợn đã bị tiêu hủy là 69.256 con.
Tại cuộc họp, đại diện một số DN lớn như: Masan, Mavin, Dabaco, Green Feed… đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình sản xuất. Đồng thời, nêu lên những khó khăn và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch tả lợn, ổn định sản xuất của đơn vị.
Nhấn mạnh dịch tả lợn châu Phi đang có những tác động chưa từng có, cực kỳ đặc hữu cho lợn, trong khi thế giới lại chưa có vaccine, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, qua thực tiễn, dịch chủ yếu xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ, đối với các DN lớn thì chưa xảy ra việc lây nhiễm dịch bệnh.
“DN sẽ là “hạt nhân” giữ đàn lợn giống, do đó bằng mọi giá phải kiểm soát chặt dịch tả lợn” - Bộ trưởng nói. Đặc biệt, các tập đoàn, cơ sở chăn nuôi lớn cần kiểm soát tốt các vệ tinh sản xuất, đừng đợi nhìn ra sai lầm thì đã phá sản. Mục tiêu là giữ bằng được đàn hạt nhân để bảo đảm phục hồi.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, DN là hạt nhân nhờ khả năng bắt nhịp rất tốt về công nghệ, kỹ thuật, tổ chức và quản trị về ngành chăn nuôi lợn. Nhận định đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển ngành chăn nuôi lợn quy mô lớn, tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng, nếu tổ chức làm tốt thì cơ hội sẽ rất lớn bởi tiêu thụ thịt lợn vẫn chiếm thị phần rất lớn.
Liên quan tới giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, an toàn sinh học không cần vaccine sẽ là đích đến cuối cùng. Thực tế cho thấy, bảo đảm an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các DN tổng rà soát các giải pháp an toàn sinh học, bảo đảm cao nhất điều kiện chuồng trại, cơ sở vật chất, quy trình kỹ thuật, cũng như tổ chức sản xuất, khâu giám sát tập thể. Kiểm tra toàn bộ các khâu liên quan như nguyên liệu chế biến thức ăn, phương tiện vận chuyển (xe che bạt kín không ăn thua, phải có xe chuyên dụng), quy chuẩn hóa chu trình vận chuyển. Rà soát chặt để điều phối khoa học quy trình sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm tiêu thụ bình thường, vừa bảo quản lạnh, tránh tình trạng sốt hàng, dẫn tới bên ngoài thâm nhập vào thì nguy cơ thất bại thị trường trong nước sẽ rất đáng lo ngại.