Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Không vì thiếu thịt lợn mà tái đàn ồ ạt

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 18/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp với một số địa phương, DN chăn nuôi bàn giải pháp tái đàn nhằm bình ổn thị trường thịt lợn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Nông dân e ngại tái đàn 
Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So cho biết, hiện số lượng giống lợn thịt đơn vị bán ra rất ít vì DN muốn giữ lại để phát triển đàn. Tuy nhiên, đối với giống lợn nái thì hiện còn rất nhiều nhưng lưu thông chậm. Theo ông So, công tác tái đàn hiện diễn ra nhanh ở các DN, trang trại lớn, còn ở nhóm hộ nhỏ lẻ thì rất chậm.
Trong khi đó, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, hay Tập đoàn Mavin thậm chí không bán giống lợn thịt. Trong khi, giống lợn nái thì hiện tại cả hai đơn vị này còn thừa rất nhiều. 
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp 
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Viết Toàn, để tăng nguồn cung thịt lợn, thời gian qua, địa phương chủ trương tái đàn tại những vùng bảo đảm an toàn sinh học. Đến nay, đã có khoảng 360 cơ sở chăn nuôi tổ chức tái đàn. Dù vậy, theo ông Toàn, 100% các cơ sở tái đàn đều là DN, trang trại lớn. Trong khi các hộ nông dân thì hầu như chưa tái đàn. 
Tương tự, tại Hưng Yên và TP Hồ Chí Minh, người nông dân gần như cũng chưa tái đàn. Nguyên nhân theo Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Trung là do hộ chăn nuôi không muốn đầu tư để mua lợn giống vì sợ dịch bùng phát. “Có một bộ phận các hộ muốn tái đàn lợn thịt, tuy nhiên, đối với giống lợn thịt thì tiếp cận không dễ vì DN, các trang trại giống không muốn bán…” - ông Trung cho biết.  
Đồng bộ các giải pháp 
Để ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, tái đàn lợn là giải pháp căn cơ. Tuy nhiên, nghịch lý là tại một số địa phương hiện nay lại có tư tưởng… e ngại tái đàn, và điều này cần thay đổi. “Trong chỉ đạo, cần tránh tư tưởng “hết dịch mới tái đàn” vì dịch tả lợn châu Phi còn tồn tại một thời gian dài” - ông Dương nhấn mạnh. 
Nhận định thời gian tới, nhu cầu thực phẩm nói chung, thịt lợn nói riêng sẽ tăng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu không tập trung đồng bộ, chính xác, minh bạch các giải pháp bình ổn thì sẽ xảy ra rối loạn thị trường thịt lợn, gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi và người tiêu dùng.
Trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị bên cạnh tăng cường sản xuất nguồn thuỷ sản, trứng, sữa, gia cầm, gia súc lớn…, trên cơ sở an toàn sinh học, các DN, trang trại chăn nuôi hạt nhân phát triển tối đa đàn lợn. Đối với các hộ gia đình, cũng phải phát triển đàn. “Bộ sẽ nghiên cứu văn bản để hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn trên cơ sở bảo đảm an toàn sinh học. Tuy nhiên, kiên quyết không vì thiếu thịt lợn mà tăng đàn, tái đàn ồ ạt” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. 
Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý 2020 sắp tới.
Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, siết chặt vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch lợn thịt, lợn giống và thịt lợn ra nước ngoài, cũng như nhập khẩu bất hợp pháp các sản phẩm này vào trong nước.