Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Xây dựng nông thôn mới sẽ thực chất hơn

Trọng Tùng thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ghi nhận những thành tựu nổi bật của ngành nông nghiệp, nông thôn ngày một khởi sắc, đặc biệt đời sống của người nông dân không ngừng được nâng cao. Dù vậy, thách thức đặt ra đối với công cuộc xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo cũng rất lớn.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về định hướng cũng như những giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu Chương trình. 
“Thành quả” và “thực chất” vẫn còn khoảng cách
- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM?
- Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tất cả các mục tiêu bao trùm nhất đã đạt kết quả tích cực. Phát triển nông nghiệp có nhiều tiến bộ, tăng trưởng ổn định và bền vững. Đặc biệt trong năm 2018, nông nghiệp tăng trưởng 3,76%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đóng góp 8,7% vào mức tăng GDP chung của cả nước.
Trong 10 năm qua, ngân sách Nhà nước đã huy động được khoảng 2 triệu tỷ đồng giúp các tỉnh, TP hoàn thiện một khối lượng khổng lồ thiết chế hạ tầng cứng – mềm, đáp ứng cơ bản đầy đủ yêu cầu sản xuất mới, đồng thời, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.
Đối với mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống cho người nông dân, Chương trình đặt ra mục tiêu là tăng ít nhất 2,5 lần thu nhập so với năm 2009 (9,7 triệu đồng). Dù vậy, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, đến nay, thu nhập bình quân của người nông dân đã đạt 35,8 triệu đồng/năm (tăng gấp 3,6 lần so với 10 năm trước). Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, hiện chỉ còn 4,5%.
Đặc biệt, cả nước đã có 4.547 xã, 100 huyện và 7 tỉnh (chiếm tỷ lệ lần lượt 51,26%; 15% và 10% tổng số xã, huyện, tỉnh, TP toàn quốc) hoàn thành xây dựng NTM. Đến nay, cả nước không còn xã đạt dưới 5/19 tiêu chí. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM gần như không còn.
Bên cạnh những thành quả rõ nét, tổng thể và quan trọng nêu trên, sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, còn điều gì khiến ông băn khoăn không, thưa Bộ trưởng?
- Vui mừng với kết quả đạt được, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, kết quả xây dựng NTM trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Khoảng cách vùng miền trong kết quả xây dựng NTM vẫn còn chênh lệnh lớn; thiết chế hạ tầng ở vùng núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua được đầu tư chưa tương xứng.
Thứ nữa, mặc dù đời sống của người nông dân đã tăng khoảng 3,6 lần so với năm 2009, nhưng so với yêu cầu, mong muốn và trên thực tiễn thì chưa đạt. Tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn cao.
Bên cạnh đó, vấn đề môi trường hiện còn rất nan giải. Ngay cả tại các địa phương về đích NTM đã hoàn thành tiêu chí môi trường thì kết quả công tác bảo vệ môi trường cũng chưa thể bằng lòng ở cả 3 khía cạnh: Môi trường sống – môi trường sản xuất và môi trường tự nhiên.
 Nét mới nông thôn tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Trọng Tùng
Cá nhân tôi vẫn băn khoăn giữa số lượng đơn vị hoàn thành đi đôi với chất lượng trên các tiêu chí. Dường như ở đâu đó vẫn còn khoảng cách giữa thành quả đạt được với kết quả thực chất. Đây là điều mà các địa phương cần đánh giá lại, rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn Chương trình.
Nhận diện thách thức và hành động
Những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm thời gian qua là tiền đề để Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tiếp tục có được nhiều bước tiến quan trọng. Nhưng song hành với đó sẽ là những thách thức nào, thưa Bộ trưởng?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, thậm chí là thách thức lịch sử trong mục tiêu xây dựng NTM. Thứ nhất, nếu không cẩn trọng, chúng ta rất dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Thứ hai, Việt Nam đang đi đến chặng cuối của giai đoạn “dân số vàng”, lợi thế về lao động sẽ không còn nữa.
Thứ ba là biến đổi khí hậu khốc liệt, ảnh hưởng ngày một lớn đến đời sống, sản xuất và cơ sở hạ tầng nông thôn; đặc biệt là khi Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia được dự báo sẽ chịu tác động lớn nhất. Và thứ 4 là hội nhập quốc tế sâu rộng khiến cạnh tranh về thị trường sẽ rất lớn.
- Thưa Bộ trưởng, trước những thách thức rất lớn nêu trên, định hướng đặt ra đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trong những năm tới là gì?
- Định hướng trong giai đoạn tiếp theo có thể khái quát ở hai khía cạnh. Thứ nhất là phát huy cao nhất những thành quả trong sản xuất, xây dựng thiết chế hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp đó là cần tập trung các nhóm giải pháp tổng hợp để khắc phục 3 nút thắt, bao gồm: Làm sao để tái cơ cấu kinh tế nông thôn, thúc đẩy sản xuất, từ đó nâng cao đời sống cho người nông dân.
Thứ nữa là tập trung giải pháp khắc phục, xử lý tốt vấn đề môi trường. Và vấn đề quan trọng nhất là nâng cao vị thế của người nông dân; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng miền để thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cả cộng đồng vào công cuộc xây dựng NTM.
Giải pháp đặt ra để có thể đạt được những mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo là gì, thưa Bộ trưởng?
- Để giải quyết được những vấn đề trên, chúng ta cần tận dụng tốt nhất yếu tố thời đại là khoa học công nghệ; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách huy động nguồn lực của toàn xã hội, các thành phần kinh tế và sức mạnh tự thân của người dân.
Đánh giá bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM được áp dụng trong thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi cần tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, nhằm bảo đảm sự phù hợp và thực tế hơn đối với từng vùng miền trong quá trình triển khai.
Dù T.Ư đã tập trung ngân sách rất lớn cho xây dựng NTM, tuy nhiên, thời gian tới, phải có giải pháp huy động được nguồn lực lớn hơn. Đối với vấn đề này, quan trọng nhất vẫn là thể chế, cơ chế để khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân tham gia sâu rộng vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn. Từ đó, tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh với sự tham gia của cả 3 khu vực Nhà nước – tư nhân và người dân, đồng hành cùng Chương trình xây dựng NTM.
Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm là phải đánh giá lại những kết quả đạt được để rút kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM đi vào thực chất hơn. Làm sao để nông thôn khởi sắc, đời sống của người nông dân ngày một khá giả hơn, nông nghiệp tái cơ cấu bền vững theo chuỗi giá trị, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn từng bước tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Xin cảm ơn ông!

"Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, một trong những giải pháp trọng tâm là cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng nông thôn theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất mới. Thúc đẩy chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết giữa nhà khoa học – DN – người dân trên cơ sở bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên. Đồng thời, sớm hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai và thủ tục đầu tư công, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế...

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu