Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Kết quả cải cách hành chính giữa các bộ, giữa các tỉnh dần có sự đồng đều hơn

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Cả Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ và cấp tỉnh năm 2019 đều có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2018, sự chênh lệch điểm số giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng đã giảm dần qua các năm..." - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay.

Chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019, hôm nay (18/5), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh sự kiện này.
Trong đó, xung quanh một số điểm nổi bật về kết quả triển khai xác định Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư năm 2019, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay: Năm nay là năm thứ 9 liên tiếp (kể từ 2012) Bộ Nội vụ chủ trì triển khai đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC của các bộ, các tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, Bộ đã có một số lần rà soát, điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống các tiêu chí cho phù hợp thực tiễn triển khai và các quy định CCHC mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Năm 2019, với sự chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ đã phối hợp các bộ, địa phương rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện cả về phương pháp đánh giá và nội dung các tiêu chí, tiêu chí thành phần cho phù hợp điều kiện thực tế. Nhìn chung qua đánh giá, công tác CCHC tại các bộ, tỉnh trong năm 2019 cho thấy nhiều xu hướng chuyển động tích cực.
Thứ nhất, cả chỉ số CCHC cấp bộ và cấp tỉnh đều có giá trị trung bình tăng cao hơn so với năm 2018; sự chênh lệch điểm số giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối bảng xếp hạng đã giảm dần qua các năm. Điều này cho thấy, kết quả CCHC giữa các bộ, giữa các tỉnh đang dần có sự đồng đều hơn. Đáng chú ý trong năm 2019, 16/17 bộ và 62/63 địa phương có điểm đánh giá tăng cao hơn so với năm 2018. 
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Thứ hai, các chỉ số thành phần đều có sự cải thiện đáng kể so với năm 2018. Trong 7 chỉ số thành phần đánh giá CCHC cấp bộ thì có 6 chỉ số đạt giá trị trung bình tăng cao hơn năm 2018; cấp tỉnh có 8 chỉ số thành phần đánh giá thì 7 chỉ số đạt giá trị trung bình tăng cao hơn năm 2018. Những tín hiệu tích cực về điểm số cho thấy, công tác CCHC của các bộ trong năm 2019 đã có nhiều chuyển biến rõ nét; đồng thời ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của các bộ trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Thứ ba, theo kết quả khảo sát năm 2019, các đối tượng bên ngoài là người dân, tổ chức tiếp tục có những đánh giá cao về kết quả CCHC ở các địa phương (tỷ lệ điểm trung bình đạt được là 84.51%). Điều này cho thấy, niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân ngày càng cao với các chủ trương, chính sách CCHC tại địa phương; kết quả thực hiện CCHC đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho người dân, tổ chức, DN trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý vẫn mong đợi nhiều hơn nữa với việc triển khai nhiệm vụ CCHC (tỷ lệ điểm trung bình đạt 78,05%); đây là tín hiệu lạc quan và động lực cần thiết để tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo nâng cao hiệu quả cải cách trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, qua xác định Chỉ số CCHC năm 2019 đã chỉ ra cụ thể những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC của các bộ, các tỉnh và cần sớm được khắc phục trong năm 2020. Trước hết đối với các bộ, vẫn còn một số đơn vị chưa hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019 hoặc đã hoàn thành nhưng có một số nhiệm vụ hoàn thành muộn so với thời hạn được giao. Công tác cải cách thể chế còn một số hạn chế, bất cập; giá trị trung bình đạt thấp nhất trong 7 lĩnh vực đánh giá; năm 2019 còn một số bộ chưa hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật đã được phê duyệt; kết quả khảo sát các đối tượng cũng đánh giá chưa cao về tính đồng bộ, thống nhất và tính kịp thời của hệ thống pháp luật thuộc phạm vi quản lý của các bộ. Cùng đó, một số bộ chưa hoàn thành việc xử lý, trả lời các kiến nghị của địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của bộ. Một số bộ vẫn trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ TTHC; cổng dịch vụ công của một số bộ chưa đáp ứng yêu cầu về chức năng kỹ thuật theo quy định…

Đối với các địa phương, công tác chỉ đạo điều hành CCHC ở một số nơi chưa hoàn thành 100% mục tiêu, nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch năm đã đề ra; chưa xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra CCHC; chưa hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019. Vẫn còn tình trạng chưa thực hiện đúng quy định về ban hành TTHC theo thẩm quyền được giao; chưa kịp thời công khai đầy đủ nội dung, quy định TTHC trên cổng dịch vụ công hoặc các trang/cổng TTĐT sau khi công bố; có nơi vẫn công khai các quy định TTHC tại văn bản đã hết hiệu lực thi hành, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tra cứu và thực hiện TTHC. 
 Giao dịch hành chính tại Bộ phận Một cửa của Bộ Nội vụ
Ngoài ra, tỷ lệ giảm biên chế ở một số địa phương còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Qua đánh giá, còn tình trạng một số địa phương bố trí công chức, viên chức chưa đúng với vị trí việc làm đã phê duyệt hoặc chưa hoàn thành Đề án xác định vị trí việc làm theo quy định. Đồng thời, năm 2019, các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức tại một số tỉnh, TP. Còn có địa phương không hoàn thành giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN; chậm thực hiện các kiến nghị, kết luận của thanh tra, kiểm toán về công tác tài chính-ngân sách; một số nơi chưa ban hành đầy đủ văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp…

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, căn cứ kết quả Chỉ số CCHC năm 2019, các bộ, các tỉnh cần sớm chỉ đạo rà soát, phân tích kết quả thực hiện các nội dung CCHC, từ đó xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Các bộ, các tỉnh cũng cần sớm ban hành biện pháp khắc phục và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc để triển khai nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền CCHC; tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC tại các cơ quan, đơn vị; đảm bảo việc theo dõi, đánh giá được thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời tháo gỡ hạn chế, vướng mắc, rào cản trong quá trình triển khai nhiệm vụ CCHC của bộ, tỉnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần