Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn trả lời giải pháp cho tình trạng “được mùa mất giá”

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trả lời đại biểu Quốc hội Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) về vấn đề cây trồng, vật nuôi “được mùa mất giá”, chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài tại hội trường sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần cải thiện khâu chế biến và tổ chức thương mại.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng bất cập lớn nhất của chúng ta là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Ông ví dụ, ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa.
 Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông)
Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...

Ghi nhận trả lời của Bộ trưởng cho thấy, Bộ trưởng đã làm nhiều việc và sát sao, tuy nhiên theo đại biểu Phan Thanh Bình (TP Hồ Chí Minh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, khi nói về nông nghiệp, về mùa và giá, Bộ trưởng chia sẻ suy nghĩ sản xuất nông nghiệp rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao. Từ đó, nêu hai lý do chủ yếu, chủ quan do nông nghiệp chế biến, khách quan là kinh tế thị trường, thiên tai dịch họa. “Hai lý do này không sai, nhưng tôi băn khoăn khi nhìn nhận nông nghiệp như thế, vì không phải các nước nền nông nghiệp không phát triển được, đối với nước ta thì nông nghiệp là điểm dựa của kinh tế và trong những thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới, thì điều tạo ra sức bật cho kinh tế là nông nghiệp”, đại biểu Phan Thanh Bình nêu rõ.

“Chúng ta không thể tách rời nông nghiệp mà phải nhìn ở “tam nông” - nông nghiệp, nông thôn, nông dân, và phải làm trọn vẹn vấn đề này, đại biểu Phan Thanh Bình đề nghị. Đại biểu Phan Thanh Bình cũng nêu rõ “chúng ta đẩy được nông thôn mới, nhưng mới chỉ về an sinh, văn hóa, hạ tầng nhưng có gắn với kinh tế và sức sản xuất của nông dân không? Nói cách khác, cần nhìn nhận ở tất cả lĩnh vực chứ không đơn giản là nông nghiệp.

Cũng theo đại biểu Phan Thanh Bình, trong nông nghiệp quan trọng nhất là chuỗi giá trị sản phẩm, đi từ sản xuất, qua chế biến, thị trường, Bộ trưởng có nói đến vấn đề này và nhấn mạnh chế biến, nhưng thực sự sản xuất đã quy chuẩn được chưa? Hiện nay, hội nhập quốc tế sâu rộng kèm theo đó là tính rủi ro sẽ rất cao.

Về quản lý nhà nước, đại biểu Phan Thanh Bình đề nghị nên rõ trách nhiệm.