Cải cách thủ tục hành chính là xu thế thực hiện cuộc cách mạng 4.0

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định cải cách thủ tục hành chính là xu thế thực hiện cuộc cách mạng 4.0 hiện nay với các nội dung như ứng dụng internet kết nối vạn vật; ứng dụng điện toán đám mây, xử lý các dữ liệu lớn mà người ta gọi là big data, đô thị thông minh...

Sáng 17/11, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã “nóng” với vấn đề kiểm soát thông tin xấu, sai sự thật ngày càng tràn lan trên mạng xã hội; có hay không tình trạng truyền hình thương mại đang lấn át truyền hình công…
“Năng lượng xấu” lấn lướt trên mạng xã hội là thực trạng

Là ĐB đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đặt câu hỏi có hay không tình trạng truyền hình thương mại đang lấn lướt truyền hình công. Trách nhiệm của Bộ trưởng về tình trạng này, giải pháp trong thời gian tới?.
 Toàn cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Trả lời vấn vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận định: Xã hội hóa truyền hình thực hiện chiếu nhiều chương trình trong công tác liên kết mà hầu hết là chương trình giải trí. Trong đó, xu hướng tăng cường giải trí, xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc, nhiều chương trình xã hội hóa hiện nay lớn và phản ánh nhiều vấn đề.

Nhưng gần đây hầu hết các đài có quy trình chuẩn chấn chỉnh từ kiểm duyệt liên kết đến nội dung khác. Chương trình xã hội hóa và liên kết mức độ vi phạm giảm nhiều. Tuy nhiên sai sót vẫn có và cần tăng cường vai trò của cơ quan báo chí khi thực hiện liên kết, vai trò của bộ về quản lý.

Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT thường xuyên tăng cường kiểm tra, nhắc nhờ, xử lý và đưa ra cơ chế mà các Đài đang thực hiện là tự sản xuất trên 30%, liên kết không được quá 50% chương trình. “Các kênh truyền hình thiết yếu vẫn thế nên không có chuyện lấn át hay xã hội hóa truyền hình”, Bộ trưởng khẳng định.

Vấn đề mạng xã hội được nhiều ĐB đề cập tới. ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) chất vấn Bộ trưởng về cách phân loại thông tin độc, hại, xấu trên mạng được phân biệt dựa trên tiêu chí nào. ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng: Lượng tin giả, xuyên tạc trên mạng xã hội, bôi nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước vẫn còn nhiều, Bộ trưởng có giải pháp nào để hạn chế?. ĐB Nguyễn Phương Tuấn (đoàn Ninh Bình) cũng hỏi Bộ trưởng về giải pháp ngăn chặn các thông tin độc hại trên mạng xã hội, đặc biệt là các mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, chỉ 15 năm trước không ai tưởng tượng được đến nay mạng xã hội lại phát triển ở Việt Nam như hiện nay, và cũng không thể biết 15 năm tới sẽ phát triển đến mức nào. Mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích, giúp mọi người xích lại gần nhau, cung cấp lượng thông tin, kiến thức khổng lồ… Chúng ta không thể đi ngược lại xu hướng phát triển này. Nhưng bên cạnh những tiện ích, những tác hại mang đến cũng không nhỏ. Đó là những thông tin bôi nhọ, xúc phạm đời tư ngày càng phát triển. “Có người hỏi, có nên dùng mạng xã hội nữa không? Ta phải hiểu rõ đó là công cụ như con đường ta phải đi. Trên đường đó có nhiều loại người nên đừng coi mạng xã hội là xấu mà ý thức người sử dụng thế nào mới là vấn đề”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, việc ném đá, nói xấu, trì chiết... trên mạng nhiều là thực trạng. Nói tốt thì ít người quan tâm, nhưng một lời lẽ xúc phạm nhau thì đang là nhức nhối. Thậm chí nhiều người tự tử vì nội dung bôi xấu trên mạng xã hội. Tình trạng ném đá tập thể, tung ra lời nói lăng mạ bất chấp không đặt mình vào vị trí nạn nhân nên năng lượng xấu bắt đầu lấn lướt trên mạng xã hội...

Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với nhiều cơ quan, nhằm xử lý các sai phạm, giảm các năng lượng xấu, tăng cường năng lượng tốt trên mạng xã hội. Đồng thời với tuyên truyền, giáo dục ý thức sử dụng của người dùng, chúng tôi cũng đã làm việc với các nhà cung cấp mạng xã hội từ nước ngoài. “Chúng tôi yêu cầu các nhà mạng nước ngoài tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam. Chúng tôi đã tác động gỡ bỏ 5.000 clip trên mạng youtube có nội dung xấu, phản cảm, sai sự thật. Chúng ta cũng tăng cường thông tin chính xác, thông tin tốt trên báo chí để đẩy lùi các thông tin xấu, sai sự thật trên mạng, không để báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội”, Bộ trưởng nói.
 Bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Hơn 14.000 dịch vụ công trực tuyến đã triển khai

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đặt vấn đề về mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử còn xa. Bởi kết quả ứng dụng công nghệ thông tin cho cải cách hành chính còn thấp, DN và người dân còn bức xúc và dường như đang xảy ra tình trạng lãng phí đầu tư cho lĩnh vực này?

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong những năm qua việc thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 và thực hiện kế hoạch cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ thì hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Chính phủ được đẩy mạnh.
Các bộ, ngành đã tăng cường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Ở đây có mấy lĩnh vực như ngày hôm qua các đại biểu đã nghe những lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội đã mang lại hiệu quả cao và các ngành, lĩnh vực thuộc các bộ, ngành khác cũng đã mang lại nhiều kết quả khả quan trong việc cung cấp thông tin và giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân và phục vụ doanh nghiệp. Đây phải nói là kết quả rất đáng khích lệ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính cũng như xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến thì các bộ, ngành đều đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao giúp cho người dân, cũng giúp cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính hiệu quả hơn, để xây dựng Chính phủ điện tử. Cụ thể là các bộ, ngành đã cung cấp hơn 900 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4. Ta thấy cách đây khoảng hơn 1 năm thì hầu hết chỉ cung cấp dịch vụ công ở mức độ 1, mức độ 2 thì bây giờ hầu hết các bộ, ngành đều đã cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Nhiều tỉnh, thành phố cũng cung cấp dịch vụ công ở mức độ 1 đến mức độ 4 rất cao.

Theo thống kê, khoảng hơn 14 nghìn dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, 4 được các tỉnh ứng dụng. Thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp đã giảm được nhiều thời gian trong thực hiện các thủ tục hành chính. Một số dịch vụ công ở mức độ 3, 4 đem lại hiệu quả cao.

Ngoài lĩnh vực hải quan, thuế thì còn có trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến bảo hiểm xã hội Việt Nam và trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến của các ngành. Ngay như ngành ngoại giao cũng có trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có gần 500 nghìn hồ sơ trực tuyến. Bộ Tư pháp cũng có gần 300 nghìn hồ sơ trực tuyến. Như vậy, ngoài các thủ tục hành chính đã cung cấp, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, để tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử thì các ngành, các cấp đã vào cuộc và đã đạt được nhiều kết quả như tôi đã nêu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến cũng còn nhiều hạn chế. Ví dụ, việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến của một số bộ, ngành hạn chế nhất định, điển hình là một số dịch vụ công trực tuyến triển khai nhưng chưa phát sinh hồ sơ, như đại biểu cũng vừa nêu. Có hàng nghìn dịch vụ công trực tuyến ta đưa ra nhưng chỉ để phục vụ cho việc phục vụ văn thư, lưu trữ, chứ chưa đưa vào ứng dụng, chưa phát sinh hồ sơ thực hiện.

Việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành tại nhiều nơi cũng chưa mang lại hiệu quả cao, chủ yếu sử dụng trong việc gửi, nhận văn bản và hỗ trợ cho công tác văn thư, lưu trữ, chứ chưa thực hiện chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và hành chính nhà nước. Một số hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nền tảng để phát triển Chính phủ điện tử cũng chậm được triển khai.

"Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là gì, là người đứng đầu một số cơ quan nhà nước như tôi nêu trong báo cáo là chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử ở địa phương mình, ở cơ quan mình. Thực tế ta thấy ở địa phương nào, cơ quan nào người đứng đầu quan tâm đến việc xây dựng Chính phủ điện tử thì ở địa phương đó tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công tốt hơn", Bộ trưởng phân tích.

Thứ hai, kinh phí đầu tư cho xây dựng vận hành Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính ở các bộ, ngành, địa phương là không đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu bố trí của địa phương, chưa kịp thời, cho nên dẫn đến lộ trình nội dung triển khai không theo kế hoạch, các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu ở địa phương mình, thậm chí triển khai chồng chéo, kéo dài thời gian triển khai, triển khai không đồng bộ, không thống nhất các mục tiêu, nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, địa phương và do thiếu nguồn nhân lực, cho nên việc triển khai này cũng không thống nhất và thiếu đồng bộ.

Một vấn đề hết sức quan trọng đó là nguồn nhân lực. Hiện nay nhân lực công nghệ thông tin ở các cơ quan nhà nước từ các bộ, ngành Trung ương đến các địa phương thì chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, nhất là đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin cũng đang còn rất hạn chế. Một số văn bản quy phạm pháp luật cho xây dựng vận hành Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử cũng chưa được hoàn thiện, cho nên dẫn đến tình trạng việc thiếu đồng bộ trong xây dựng Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử, ngay cả công tác tuyên truyền thông tin về xây dựng vận hành Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, góp phần cải cách thủ tục hành chính cũng còn hạn chế.

Trong thời gian tới Chính phủ đã chỉ ra một số nhiệm vụ chủ yếu trọng tâm có tính chất đột phá, tức là trước hết đôn đốc hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết 19, trong đó về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Trong chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ thì đôn đốc các ngành triển khai các nội dung với cơ quan chủ quản, đây là những cơ quan triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định tại Quyết định 714 của Chính phủ. Triển khai hướng dẫn xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng làm thế nào nâng cao hiệu quả, nhất là hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở trung ương cho đến địa phương.

Thực tế vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Nội vụ tăng cường gắn kết chặt chẽ hoạt động xây dựng vận hành Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử trong cơ quan nhà nước với việc cải cách hành chính; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện môi trường pháp lý; tăng cường công tác thông tin và truyền thông đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng vận hành Chính phủ điện tử, cần phải cải cách thủ tục hành chính. Xác định cải cách thủ tục hành chính là xu thế thực hiện cuộc cách mạng 4.0 hiện nay với các nội dung như ứng dụng internet kết nối vạn vật; ứng dụng điện toán đám mây, xử lý các dữ liệu lớn mà người ta gọi là big data, đô thị thông minh v.v...

Chính vì vậy, trong định hướng của các bộ, ngành và địa phương phải đẩy mạnh triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, ưu tiên trong thực hiện triển khai theo danh mục đã được Thủ tướng ban hành. Xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử theo nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện nay đã có khung Chính phủ điện tư với phiên bản 1.0 và thực hiện tốt cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ở Nghị quyết 43 và đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.