Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Trước đi bệnh viện phải giả vờ, không dám nhìn"

Công Thọ - Như Hương (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 21/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về những áp lực và suy nghĩ của mình trên cương vị nữ Bộ trưởng duy nhất.

Trước câu hỏi về áp lực đối với nữ Bộ trưởng duy nhất, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Tôi nghĩ đó là quy luật cuộc sống, mâu thuẫn luôn phát sinh, phát triển và giải quyết việc này nó lại phát sinh mâu thuẫn khác và phải giải quyết mâu thuẫn đó để phát triển mức cao hơn. Mâu thuẫn đó không chỉ ở xã hội thu nhập trung bình ở mức thấp mà cả ở những nước thu nhập rất cao. Y tế là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân mà người dân lúc nào cũng muốn được chăm sóc tốt hơn.”

Điều khiến bà Tiến trăn trở trước khi rời khỏi cương vị Bộ trưởng bộ Y tế chính là vấn đề y tế cơ sở và chăm sóc cho người khỏe. Bà Tiến chia sẻ: “Vừa rồi mình phải tập trung vào bệnh viện nhiều để hạ hỏa những bức xúc của người dân. Hiện nay số người bị bệnh chỉ chiếm 5-10% dân số, còn lại cần phải chăm sóc, dự phòng và phát hiện bệnh sớm, hướng dẫn lối sống để phòng bệnh, nhất là các bệnh về tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp, ung thư và các bệnh với người lớn tuổi. Việc này phải gắn với y tế cơ sở tiến tới mục tiêu bao phủ y tế toàn dân, mơ ước của LHQ, y tế thế giới, các tổ chức quốc tế là không để lại ai phía sau. Như mình đang cố gắng là người nghèo cũng được chữa bệnh (thực ra bảo hiểm chi trả hết) nhưng đến giờ y tế xã đang làm.”

“Còn nhiều thứ phải lo cho dân và trách nhiệm những thế hệ sau, giải quyết mâu thuẫn này nó lại có mâu thuẫn khác. Một số vấn đề về liên quan đến dược đang giải quyết. Mình cũng bị gọi là thị phi đấy nhưng thực chất gọi là bị thông tin không trung thực, không chính xác qua những mạng trái lề. Mình nghĩ rằng các cơ quan chức năng sẽ làm một cách công minh, chính xác, đúng người đúng tội, đúng việc, không bỏ sót, oan sai để xây dựng y tế phục vụ dân tốt hơn.” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trước câu hỏi về những việc khiến dân bất an của ngành y tế và việc cụ thể nào đến nay vẫn khiến bà trĩu nặng tâm tư.

Trước câu hỏi “Nếu có 1 thang điểm 10 chấm điểm cho việc hoàn thành nhiệm vụ của Bộ trưởng thì bà chấm cho mình điểm mấy?, bà Tiến thẳng thắn: “Tôi chả dám chấm cho mình, có ai tự chấm cho mình được đâu. Chỉ biết rằng trong thời gian giữ cương vị Bộ trưởng, anh em toàn ngành, từ cơ quan bộ y tế chỉ đạo quyết liệt đến Trung ương, quốc hội, Chính phủ ra những quyết sách rất đúng.”

Bà Tiến cũng thừa nhận: “Từ sở y tế đến huyện, trạm y tế phải nói là áp lực công việc rất nhiều. Mình cũng có cái hơi áy náy là áp lực cho nhân viên quá, mình thay đổi nhiều quá, làm nhiều việc nhưng đến lúc có kết quả thì các giám đốc sở, giám đốc bệnh viện tỉnh, huyện lại là người hạnh phúc. Họ cứ dẫn mình đi đến bệnh viện khoe rằng đã làm được như thế này.

“Chỗ này công đoàn làm, chỗ này thanh niên làm, chỗ này kẻ vạch hướng dẫn người dân, nhà vệ sinh phải như thế này… cứ Bộ trưởng ở trên chỉ đạo là bọn em làm đúng như thế”. Đi thăm bệnh nhân thì ai cũng nói “bây giờ đỡ lắm rồi Bộ trưởng ạ", có người ôm lấy nói “chỉ mong Bộ trưởng khỏe cho chúng tôi được nhờ”.

Trước đi bệnh viện phải giả vờ, không dám nhìn. Đây là tâm sự thật, các bạn muốn viết thì viết. Cũng có thể tôi gặp các nhà báo ở Quốc hội là kỳ họp cuối cùng, sau này tôi chuyển chỗ làm khác.

Đây cũng là niềm hạnh phúc của ngành y tế của chúng tôi, từ bệnh viện huyện, tỉnh, sở y tế, trạm y tế. Tôi đến bệnh viện chỉ hỏi người dân chứ không hỏi cán bộ nhà mình trên báo cáo.

Tôi hỏi bác chờ lâu không, thái độ của cán bộ có tử tế không, người ta có đòi bác cái này cái khác không, bác có phải trả thêm nhiều tiền không, bác thấy bệnh viện bây giờ thế nào. Tất cả đều được trả lời tích cực và nói “sao Bộ trưởng khác ở trên tivi thế”.

Nói về áp lực khi là nữ Bộ trưởng duy nhất, lại đảm nhiệm cương vị là tư lệnh ngành gắn nhiều với cuộc sống của người dân, nên phải gánh chịu nhiều bức xúc của xã hội, bà Tiến khẳng định: “Bộ trưởng nào cũng phải vất vả. Để có động lực làm việc thì mình phải đặt mình vào điều kiện của nó thì mình mới hiểu cái thống khổ của dịch vụ mình chưa đạt được.

Muốn thế thì phải nỗ lực toàn diện trong thời gian ngắn. Đó là áp lực rất lớn. Nhưng tôi nghĩ đó là quy luật của cuộc sống, không thể buông bỏ được. Nếu như mình quyết tâm thì phải cố gắng. Còn rơi vào trường hợp là nữ Bộ trưởng duy nhất thì đó cũng là chuyện của cuộc sống, của nhân sự chứ không phải là điều mang cho mình cảm giác gì khác.

Điều để lại nhất là mình làm được gì, ít ra phải có sản phẩm gì cho người dân và cho xã hội. Muốn vậy thì phải “siêng nhặt chặt bị”, “lấy cần cù bù thông minh”, nhất là ngành này đòi hỏi phải có thời gian, luôn đặt niềm tin để có sự nỗ lực hết sức nhưng phải có chiến lược bài bản, có hệ thống cấu trúc từng bước, cái nào giải quyết trước, cái nào sau, phải tranh thủ học tập rất nhiều kinh nghiệm của nước ngoài để rút ngắn đoạn đường.”

Trả lời câu hỏi của phóng viên: “Bà vừa nói tới việc mình phải để lại “sản phẩm gì”. Có câu: "Làm trai sống ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông", vậy có phải bà cũng suy nghĩ phải để lại một cái gì cho đời không?”, bà Tiến cho rằng: “ Không phải danh gì mà trong khuôn khổ nhiệm vụ của mình, mình phải nỗ lực hết sức, phải có những sản phẩm, dù bé nhỏ, có ích. Mình không thể buông xuôi mà cũng phải đấu tranh, làm việc, cũng pháp lực, cũng phải chịu đựng hy sinh… Nhưng đó là cuộc đời.”