Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Sẽ tập trung cơ cấu lại nguồn thu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau phần phát biểu của các Đại biểu Quốc hội về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, chính sách miễn giảm của ta quá nhanh so với lộ trình của chiến lược thuế đã được duyệt và các chính sách lồng ghép rất nhiều vào trong luật chuyên ngành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Như chúng ta đã biết trong thời gian vừa qua chúng ta giảm thuế thu nhập DN quá nhanh, từ 25% xuống 22% và phổ thông ở mức 20%. Trong khi yêu cầu đến năm 2020 mới xuống 20%. Để khuyến khích đầu tư, chúng ta có nhiều chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập DN, miễn 4 năm, giảm 9 năm...; rất nhiều chính sách để miễn, giảm, những vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ cao... Thuế thu nhập cá nhân, chúng ta cũng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu đồng. Chính sách thu thuế thu nhập DN đang thấp hơn bình quân các nước Asean là 23%. “Những chính sách này, chúng tôi đã báo cáo, tổng kết trong thời gian vừa qua như vậy, chúng ta đã giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 1% GDP, giảm tỷ lệ động viên”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giãi bày.
Trước tình hình như vậy, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, trong văn kiện nêu rất quan trọng về thuế, tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại ngân sách, chính sách thu và chi ngân sách Nhà nước, động viên hợp lý các nguồn lực, phấn đấu tỷ lệ huy động và ngân sách nhà nước cho GDP bình quân 20% - 21%, tăng tỷ trọng thu nội địa và xây dựng hệ thống thuế đồng bộ và hiện đại.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tập trung cơ cấu lại nguồn thu, hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu mới theo hướng phù hợp với quốc tế. Bộ Tài chính tính phương án tăng tỉ trọng thu nội địa xây dựng hệ thống thuế đồng bộ hiện đại. Tại kỳ họp thứ 4 chúng tôi sẽ trình Quốc hội Luật thuế bảo vệ môi trường, chúng tôi kiến nghị với Quốc hội sẽ điều chỉnh vào kỳ họp thứ 4 trình vào năm 2018 một luật, sửa 5 luật thuế và Luật thuế tài sản. “Rất mong Quốc hội ủng hộ đồng tình”, Bộ trưởng bày tỏ.
Nói về chính sách thu, về mặt căn cơ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, rất đồng tình với các ý kiến của đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đoàn Hà Nội nói. Thực tế nghị quyết của Quốc hội quốc hội năm nay và Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng không ban hành chính sách giảm thu ngân sách.
Trước đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội nhận xét, trong nhiều trường hợp miễn giảm thuế là sự cần thiết, tuy nhiên phải rà soát tổng thể để miễn giảm hiệu quả, nuôi dưỡng nguồn thu đảm bảo tính công bằng phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đại biểu Mai, các quy định miễn giảm thuế chưa mang tính hệ thống, hiện nay ngoài các đạo luật về thuế miễn giảm thuế quy định trong Luật Đất đai, Luật DN, Luật Đầu tư… ảnh hưởng tới tính hệ thống của các quy định này.
Dẫn số liệu từ ước tính của Chính phủ, cụ thể, giảm 1% thuế suất thuế thu nhập DN đồng nghĩa với việc giảm thu ngân sách Nhà nước 6 nghìn tỷ đồng và tính riêng trong 2013 khi chúng ta thực hiện miễn giảm thuế thu nhập DN đã giảm 2.080 tỷ đồng, 2014 là 2.500 tỷ và đó là chưa kể trong giai đoạn vừa qua từ 2008 đến nay áp dụng liên tục 6 Nghị quyết của Quốc hội về miễn giảm thuế có tác động phần nào tới thu ngân sách. Đại biểu Mai cho rằng, hệ lụy tiếp chính sách miễn giảm thuế trong một số trường hợp tạo tâm lý giữa người được miễn giảm và đối tượng không được miễn giảm, trong nhiều trường hợp cũng gây tâm lý cạnh tranh chưa thực sự bình đẳng. Và theo phóng sự điều tra gần đây, rất nhiều DN cho rằng vấn đề thuế không phải là vấn đề mấu chốt, cái họ kỳ vọng từ Chính phủ đó là Chính sách xúc tiến thương mại, mặt bằng sản xuất, Khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp cận vốn, chứ thuế chưa phải là vấn vấn đề quan trọng nhất.
Nói về nợ công và bội chi ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ, 3, 4 năm nay GDP không đạt theo kế hoạch cho nên số tương đối về bội chi, số tương đối về nợ công là tăng nhanh. Đây là một thực tế đúng ra theo Luật ngân sách Nhà nước khi đã không đạt như thế để quản lý bội chi và quản lý nợ công chúng ta còn phải cắt chi. “Phải đi vào các giải pháp sâu hơn và căn cơ hơn chính là phải tập trung tiết kiệm chi”, Bộ trưởng nói và cho biết, nhiều định mức, nhiều chính sách hiện nay rất lỗi thời, cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi, các loại khoán chi và đặc biệt chi thường xuyên là phải đẩy mạnh khoán. Kết thúc phần trình bày, Bộ trưởng Bộ Tài chính kêu gọi, cần có sự đồng bộ của các cấp, các ngành cùng phải thực hiện, cùng phải triển khai hiệu quả thì ngân sách Nhà nước mới từng bước, từng bước đưa về tình hình lành mạnh hơn hiện nay.