Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và định danh người sử dụng mạng xã hội

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 6/11, tại Hội trường Diên Hồng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thị Minh Hiền về tôn chỉ, mục đích của báo chí.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của các cơ quan, tổ chức, phải bám theo tôn chỉ, mục đích, phản ánh bức tranh toàn cảnh về xã hội Việt Nam. Điều này cũng giúp báo chí viết chuyên sâu và đây là cách tiếp cận của Việt Nam, được luật định. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng hoạt động theo tôn chỉ mục đích sẽ hạn chế báo chí chống tham nhũng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định "Điều này không hạn chế việc chống tham nhũng của báo chí"
Về việc “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”, tình trạng này đã xảy ra, đỉnh cao là năm 2017 mỗi tuần có hàng chục vụ được phát hiện, đây là việc sai trái. Năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công cụ nhận diện các bài viết sáng đăng, chiều gỡ, hiện nay việc này đã giảm hẳn.
Về tin sai, tin giả, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây là vấn nạn toàn cầu. Bộ Thông tin và Truyền thông xác định làm sạch không gian mạng là nhiệm vụ trọng tâm, làm rất quyết liệt cả về thể chế, về công cụ quản lý (trung tâm giám sát xử lý an toàn thông tin mạng quốc gia, đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tin giả). Số lượng tin bài mà Facebook đã phải gỡ năm 2020 tăng 30 lần so với năm 2017; số trang giả mạo được gỡ bỏ cũng tăng 8 lần. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý vi phạm hành chính hàng trăm trường hợp đăng tải tin sai, tin giả trên mạng, tính từ đầu năm đến nay.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc cứng rắn với các nền tảng xuyên biên giới, nhất là Facebook và Youtube, các nền tảng này đã tăng mạnh số lượng tin giả được gỡ bỏ. Từ đầu năm tới nay, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hàng trăm trường hợp tin sai, tin giả. 
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng và định danh người sử dụng mạng xã hội để người sử dụng không nghĩ rằng vô danh nên vô trách nhiệm; yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam và đóng thuế. Bộ cũng đề nghị Quốc hội sửa hình thức xử phạt vi phạm từ mức tuyệt đối thành mức xử phạt theo doanh thu...

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Ngàn Phương Loan (Đoàn tỉnh Lạng Sơn) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về xử lý những nội dung nhảm nhí, trái văn hóa, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ em.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đã đạt tỷ lệ tháo gỡ các video xấu, độc trên kênh Youtube lên đến 90%, mỗi tháng gỡ bỏ hàng ngàn video xấu độc, xử lý nghiêm một số cá nhân sản xuất nội dung xấu, độc. Bộ trưởng đề nghị người dân, tổ chức khi phát hiện các video xấu, độc thì báo đến đường dây nóng của bộ vá các sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý.

Thời gian tới, Bộ đặt mục tiêu gỡ bỏ 100% video xấu, độc bị phát hiện, phát triển công cụ phát hiện video xấu, độc, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra hướng dẫn tiêu chí đánh giá video vi phạm thuần phong mỹ tục…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần