Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam sẽ vào Top 30 chuyển đổi số tại năm 2030

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của người đứng đầu Bộ TT&TT tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019 (Industry 4.0 Summit 2019) diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng
Trong phần tham luận của mình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam, trong đó đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP vào năm 2030. Từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, các giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên.
Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số đó là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo. Và chuyển đổi số thực sự tăng tốc khi xuất hiện các công nghệ của CMCN lần thứ 4.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Chuyển đổi số hay còn gọi là môi trường không gian mạng là một môi trường mới trong cuộc sống của nhân loại - môi trường số. Chúng ta đã quen thuộc với các môi trường trên không, trên bộ, trên biển, trong vũ trụ và sóng điện từ. Một môi trường mới cũng tức là thách thức mới và cơ hội mới, là nhận thức mới và luật lệ mới, là cách thức sản xuất mới và hạ tầng mới, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định, chuyển đổi số là một cuộc cách mạng vĩ đại của loài người. Chúng ta sống trong thế giới thực từ khi xuất hiện loài người và đây là lần đầu tiên loài người bước vào một thế giới khác. Sẽ xuất hiện kinh tế số và xã hội số, và chỉ lúc này thì các công nghệ số mới phát huy hết sức mạnh của nó, cả sức mạnh xây dựng và sức mạnh huỷ diệt.

Quá trình chuyển đổi số sẽ hình thành các mối quan hệ mới. Đây chính là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Nhưng chính những mối quan hệ mới này, những mô hình kinh tế mới này mới phát huy hiệu quả của chuyển đổi số.

Chấp nhận cái mới phụ thuộc vào chuyển đổi nhận thức của con người. Nhưng lại là lợi thế của các nước đi sau, vì sự chuyển đổi nhận thức này không phụ thuộc vào cơ sở vật chất mà một nước đang sở hữu. Các nước đi sau ít gánh nặng của quá khứ, cả về hạ tầng vật chất và thể chế, cả về năng lực cạnh tranh của thời 2.0, 3.0. Những gánh nặng quá khứ này có thể lại là cản trở cho 4.0, vì 4.0 cần năng lực cạnh tranh mới, hạ tầng mới, thể chế mới.

Nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam. Đồng thời đây cũng là sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Và lợi thế của người Việt Nam là khả năng thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Việt Nam luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân, Bộ trưởng khẳng định.

Lấy doanh nghiệp là hạt nhân
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make In Vietnam, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và chính từ thị trường Việt Nam đi ra thị trường toàn cầu.

Bộ trưởng đặt ra câu hỏi: Nếu chúng ta cứ phải tới từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình, từng người dân để làm chuyển đổi số cho họ thì sẽ rất lâu. Có cách tiếp cận nào mới và đột phá không? Đó chính là các Platform (nền tảng) số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân sử dụng. Sử dụng các Platform số tức là lên môi trường số, tức là hoạt động trong môi trường số.

Năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform và Đào tạo.

Về thể chế, quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo, đi đôi với việc bảo vệ các giá trị căn bản của nhân loại, của văn hoá Việt Nam, luôn lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi số. Trong quá trình triển khai chuyển đổi số sẽ có rất nhiều cái mới nảy sinh do đó không thể biết cách quản lý. Cơ chế sandbox, tức là cho thí điểm nhưng giới hạn trong một không gian và thời gian nhất định, là cách tiếp cận cái mới tốt nhất và Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị mới ban hành đã chỉ rõ điều đó.

Về hạ tầng, quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, như IoT, ICloud, Big Data, AI. Rất nhiều công nghệ mới đang xuất hiện cho phép Việt Nam chuyển đổi nhanh chóng hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT thế hệ mới. Đây là cơ hội cho Việt Nam làm chủ công nghệ và sản xuất thiết bị hạ tầng ICT, không chỉ đơn thuần mua công nghệ và thiết bị.

Một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia là 100% người Việt Nam có điện thoại thông minh. Phương án sớm tắt sóng công nghệ 2G đã được Bộ TT&TT nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng Chuyển đổi số khó nhất là triển khai trong toàn xã hội và đối với toàn dân. chuyển đổi số chỉ phát huy hết sức mạnh khi toàn dân, toàn xã hội kết nối số. Sức mạnh của kết nối không phải cấp số cộng mà là cấp số nhân, là hàm số mũ.
Một nền tảng Platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp. Trên nền tảng Platform, giá trị tạo ra được chia sẻ giữa người tham gia và người tạo Platform nên sẽ thúc đẩy tất cả các bên. Lợi thế Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp CNTT có năng lực đã trưởng thành trong mấy chục năm vừa qua, có thể phát triển các Platforms phù hợp cho chuyển đổi số Việt Nam.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Trước mắt cần tập trung đào tạo lại và đào tạo nâng cấp. 1000 chuyên gia chuyển đổi số, có mặt tại tất cả các bộ, ngành và địa phương, sẽ là những hạt nhân của quy trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là chặng đường dài nhiều thập kỷ, liên quan đến mọi người, nên muốn căn cơ thì ICT phải được coi là kỹ năng cơ bản cần được đào tạo cho học sinh từ cấp học thấp nhất. ICT là lời giải tốt nhất cho nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay. Giáo dục bằng công cụ ICT cũng chính là cách tốt nhất để dạy kỹ năng số cho học sinh.

Chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội. Muốn đi nhanh thì chính phủ phải đi đầu. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ phải đi tiên phong trong chuyển đổi số.

Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hoá và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển đổi số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, là công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số chính là an toàn, an ninh không gian mạng. Việt Nam muốn dựa vào chuyển đổi số để phát triển thành quốc gia hùng cường thì Việt Nam phải là cường quốc về an ninh mạng để đảm bảo an toàn cho quá trình này, tạo niềm tin số cho mọi người, Bộ trưởng khẳng định.