Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Thịt lợn thừa do sức sản xuất tăng quá nhanh

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Tóm lại 3 khâu sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường mới chỉ làm được khâu thứ nhất (sản xuất) còn 2 khâu còn lại rất yếu”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Sáng 13/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sau phần khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là "Tư lệnh ngành" đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
 Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Chất vấn Bộ trưởng, nhiều ý kiến đại biểu tập trung vào vấn đề nóng của ngành nông nghiệp hiện nay là giá thịt lợn giảm mạnh, người chăn nuôi khó khăn; trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này....

Đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) chất vấn: “Số lợn hiện nay thấp hơn nhiều so với quy hoạch nhưng thị trường dư thừa đến hàng chục triệu con lợn, giá cả giảm sút thảm hại, người chăn nuôi thua lỗ nặng, đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp và trách nhiệm của Bộ?”.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến thừa thịt lợn, thứ nhất “sức cung lớn hơn sức cầu rất nhiều”. Do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh “khối lượng khổng lồ trong một thời gian ngắn”. Cách đây 10 năm, chỉ có 2 triệu con lợn nái, nay lên 4,2 triệu con. Hiện nay có khoảng 3 triệu hộ gia đình nuôi lợn, cùng với tiến bộ khoa học kỹ thuật làm sức tăng trưởng của thực phẩm vượt quá nhu cầu trong một thời điểm.

Bên cạnh tăng trưởng, Bộ trưởng cũng chỉ ra nguyên nhân “rổ thực thẩm thay đổi, trước đây, trong bữa cỗ, bữa cơm có đến 70 – 75 % là thịt lợn, nhưng hiện nay có nhiều sản phẩm để người dân lựa chọn”.

Nguyên nhân tiếp theo, theo Bộ trưởng do việc tổ chức ngành hàng chưa tốt, thể hiện ở việc đến nay còn 3 triệu hộ chăn nuôi, thời gian tới cần co lại. Vì sản xuất quy mô nhỏ khiến giá thành cao, khó kiểm soát. Chế biến tách lìa với sản xuất. Khâu liên kết giữa sản xuất và chế biến thịt lợn chỉ có hơn 20%, còn chế biến rất kém. Vì vậy trên 90% việc tiêu thụ vẫn theo kiểu truyền thống , sử dụng thịt lợn tươi, bán ở phản thịt...

Bộ trưởng cũng chỉ ra khâu yến nhất trong ngành nông nghiệp là “tổ chức thị trường”. Hiện nay mới chỉ xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, chưa khai thác được thị trường khác.

“Tóm lại 3 khâu sản xuất, chế biến, mở cửa thị trường mới chỉ làm được khâu thứ nhất (sản xuất) còn 2 khâu còn lại rất yếu. Từ tình hình đó dấn đến tháng 4/2017 vừa qua, qua khi bắt đầu mùa nóng, sức tiêu thụ của thị trường giảm đi nên đã dẫn tới tình trạng thừa thịt lợn”, Bộ trưởng nói.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tranh luận: Bộ trưởng Nông nghiệp trả lời chưa thuyết phục. Khi chúng ta cho rằng người sản xuất tự phát thì chưa thấy vai trò quản lý Nhà nước như dự báo, định hướng, điều chỉnh, cảnh báo... cho nhà sản xuất như thế nào?

Đại biểu Mai Sĩ Diễn (Thanh Hóa) cho rằng việc phát triển chăn nuôi lợn thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên khi nông dân gia tăng quy mô chăn nuôi thì nhà quản lý chưa hề có cảnh báo và đã để xảy ra việc thừa lợn.

Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt vấn đề khi thị trường vẫn bán thịt lợn 80.000 đồng/kg thì nông dân bán 20.000 đồng/kg, vậy ngoài vai trò của Bộ Nông nghiệp thì Bộ Công Thương ở đâu?

Trả lời phần tranh luận của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp trong việc dư thừa thịt lợn.

Bộ trưởng cho biết, trong chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao và Bộ, ngành Việt Nam vừa qua đến Trung Quốc có nhiều buổi đàm phán để phát triển thị trường cho xuất khẩu lợn. Hiện nay đã có những kết quả nhất định để xuất khẩu lợn chính ngạch qua Trung Quốc trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương rà soát đánh giá lại hết công tác tổ chức, thị trường để đưa ra biện pháp dài hạn cho thời gian tới.