Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ sáp nhập, giải thể các trường đại học kém hiệu quả

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sáng 6/6, trả lời chất vấn của ĐB Quốc hội về việc các trường đại học kém hiệu quả, không chiêu sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào? Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã đi giám sát thực tế và đưa ra lộ trình trong 2-5 năm tới các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể.

Bộ GD&ĐT cấm học tủ, học lệch
Chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐB Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại, nói về việc nhiều địa phương muốn được công nhận nông thôn mới nên "xin được nợ chuẩn giáo dục".
 ĐB Nguyễn Sỹ Cương.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT một lần nữa thừa nhận đây là hiện tượng có thật. Một số địa phương nói rằng đã có kế hoạch để khắc phục việc này. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, tôi kiên quyết không cho phép nợ chuẩn. Tới đây khi chương trình giáo dục được tích hợp sẽ không còn việc nợ chuẩn giáo dục để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Tranh luận với Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, nợ chuẩn giáo dục tại các địa phương không chỉ gắn với việc "muốn đạt chuẩn nông thôn mới", nhiều trường học tại các đô thị lớn cũng mắc hiện tượng này. Cụ thể như, trường trung học cơ sở nhưng bàn ghế lại tiểu học. Đến lúc gia đình chịu không nổi bỏ tiền ra mua để thay thế, hỏng thì trường lại gọi phụ huynh đến sửa.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh: "Việc này tôi đã kiến nghị Bộ Giáo dục nhưng chưa được khắc phục. Cách hội trường chúng ta đang ngồi vài trăm mét, trường đạt chuẩn quốc gia cũng chưa đạt chuẩn. Nếu trưa nay Bộ trưởng có thời gian tôi xin mời bộ trường cùng tôi qua khảo sát".
ĐB cũng nêu hiện tượng học sinh chỉ học môn sẽ thi tốt nghiệp, bỏ học những môn không thi và phụ huynh “nộp tiền” cho giáo viên để con em được công nhận, đủ tiêu chuẩn thi. ĐB chất vấn: “Bộ trưởng có biết việc này không, giải pháp nào chặn tình trạng tiêu cực đó?”.
 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Trả lời câu hỏi, Tư lệnh ngành GD&ĐT cho biết, Bộ chưa có thống kê rõ ràng nhưng hiện tượng học tủ, học lệch là có, đặc biệt ở trường chuyên.
Bộ trưởng khẳng định: "Bộ GD&ĐT cấm hiện tượng này. Chúng tôi kiên quyết phản đối và sẽ tiếp tục giám sát. Song cũng mong nhà trường thực hiện nghiêm quy định của Bộ để các cháu được học toàn diện, chứ không phải học để thi.
Liên quan đến vấn đề học lệch, Bộ trưởng chỉ trả lời được một vế. Vế thứ hai tôi rất lấy làm tiếc là nó không chỉ liên quan đến lượng giáo dục mà cả về đạo đức. Bố mẹ học sinh phải nộp tiền cho các cháu ở những môn không học để được thi nhưng các cháu sẽ nghĩ gì về thầy cô.
Sáp nhập, giải thể các trường đại học kém hiệu quả
Về giải pháp ngăn chặn bệnh thành tích, "lạm phát khen thưởng", theo Bộ trưởng đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, hiện nay vẫn còn phổ biến, tinh thần của Bộ là nói không với bệnh thành tích, tuy nhiên vấn đề này còn liên quan đến thói quen, văn hóa.
 ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng).
Để hạn chế bệnh thành tích, Bộ đã có văn bản chỉ đạo hạn chế nhiều các cuộc thi, không tính điểm các cuộc thi vào thành tích các trường; đồng thời đổi mới phương thức đánh giá, có cơ chế khuyến khích người dạy, nhằm bảo đảm kết quả giảng dạy phản ánh đích thực chất lượng giáo dục và năng lực thầy cô; bên cạnh đó, tiến hành đổi mới tổ chức công tác thi đua trong trường học theo hướng thiết thực;...
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) chất vấn: Các trường đại học kém hiệu quả, không chiêu sinh đủ sẽ giải quyết như thế nào? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng nhiều trường khi thành lập năng lực đào tạo kém, học sinh không vào, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã đi giám sát thực tế và đưa ra lộ trình trong 2-5 năm tới các trường yếu kém không cải thiện chất lượng đào tạo sẽ phải sáp nhập, giải thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần