Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin về việc chuyển học phí thành giá dịch vụ đào tạo

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người đứng đầu ngành Giáo dục khẳng định, việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo là theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo, đúng quy định của Luật giá.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Sáng 30/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Dự Luật lần này sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bãi bỏ 1 điều và 1 khoản; bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giáo dục đại học năm 2012.

Trong đó, về tự chủ tài chính, tài sản, Dự Luật quy định cơ sở Giáo dục đại học có quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo; được quyết định các dự án đầu tư sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách của cơ sở giáo dục đại học; quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu hợp pháp.

Thảo luận tại nghị trường Quốc hội, đa số các đại biểu (ĐB) tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở Giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các ĐB không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo như thể hiện trong Dự Luật. Do đó đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong Dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Học phí là khái niệm nghe quen tai, đó là cách gọi truyền thống. Tuy nhiên, học phí không bao gồm tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo. Trong thực tế nếu dựa vào học phí thì còn thiếu rất nhiều các khoản thu hợp pháp khác để phát triển nhà trường, phục vụ đào tạo. Đây là hai vấn đề không phải là một. Từ nội hàm khác nhau giữa giá dịch vụ đào tạo và học phí nên tên gọi phải khác nhau.

Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng khẳng định, việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo là theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo, đúng quy định của Luật giá.

Cụ thể, Điều 105 dự luật vẫn quy định về học phí. Đó là khoản tiền người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ. Cơ chế xác định và thu học phí được đổi mới theo Luật giá. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục đào tạo.

Điều 65 dự luật bổ sung về giá dịch vụ đào tạo là theo quy định của Luật giá. Nó được hiểu là tất cả chi phí dịch vụ đào tạo mà cơ sở đào tạo cung cấp. Cụ thể, giá dịch vụ đào tạo không chỉ có học phí mà còn chi phí Nhà nước đặt hàng đào tạo, chi phí tuyển sinh… Những dịch vụ Nhà nước đặt hàng phải áp dụng theo Luật giá, theo khung giá Nhà nước, chứ không tùy tiện.

Qua đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc chuyển từ học phí sang giá dịch vụ đào tạo trước hết phải theo luật và vận dụng cho phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, trước những phản biện của các vị ĐB, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin thêm, hiện vẫn đang trong giai đoạn Quốc hội họp bàn, cho ý kiến. Nhưng trước hết phải theo pháp luật hiện hành, đó là Luật giá. Và Bộ GD&ĐT đang lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các ĐB.