Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc: Gỡ hay thắt?

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là sự kiện quan trọng có thể quyết định "gỡ" hay "thắt" căng thẳng trong quan hệ 2 nước

Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng vấn đề Biển Đông cũng như các tranh cãi liên quan đến thương mại 2 nước. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. 
Các nhà phân tích cho rằng chuyến đi Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong tuần này cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang cố gắng kiềm chế căng thẳng quân sự và nguy cơ tính toán sai lầm.
Quan hệ quân sự Mỹ - Trung đã xấu đi nhanh chóng trong những tháng qua. Bộ Quốc phòng Mỹ tháng trước đã rút lại lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận đa phương trên biển lớn nhất thế giới "Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), nói đây là "phản ứng đầu tiên" trước việc mà Mỹ nói là "hành động quân sự hóa liên tục của Trung Quốc trên Biển Đông".
Căng thẳng giữa hai nước nổi lên tại Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn an ninh châu Á được tổ chức thường niên tại Singapore hồi đầu tháng 6. Ông Mattis lên án Bắc Kinh vì những hoạt động ở Biển Đông, bao gồm việc triển khai hệ thống vũ khí "với mục đích đe dọa và cưỡng bách". Ông cũng nói Mỹ sẽ "đấu tranh quyết liệt" với các hành động của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp nếu cần thiết.
Không lâu sau đó, không quân Mỹ cho hai máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép. Hồi tháng 4, tàu chiến của hải quân Mỹ tiến hành hoạt động mà họ gọi là "tự do hàng hải" (FONOP) gần các thực thể tranh chấp trên Biển Đông.
Nhà phân tích quân sự Yue Gang nói việc duy trì liên lạc và trao đổi cấp bộ trưởng nhằm cung cấp thông tin đầy đủ là điều sống còn trong những thời điểm đối đầu, dù ông không nghĩ Bắc Kinh và Washington sẽ xuống thang căng thẳng.
Không chỉ căng thẳng trong những điểm nóng hàng đầu như Biển Đông, quan hệ Mỹ - Trung đang ngày một leo thang vì nguy cơ chiến tranh thương mại. Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang muốn giành chiến thắng trước Bắc Kinh trong tương lai trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu.
Điều này có thể được nhìn thấy trong bài phát biểu chúc mừng các học viên tốt nghiệp Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ ngày 15/6 của ông Mattis. Ông đánh giá "quyết tâm chính trị" của Trung Quốc là một trong ba thách thức đối với Mỹ, bên cạnh sức mạnh hạt nhân tương xứng của Nga và các thách thức cấp bách như chủ nghĩa khủng bố.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được cho là sẽ tác động đáng kể đến quyết định của Trung Quốc trong việc hợp tác với Mỹ ở những vấn đề chung khác.
“Nếu chúng ta xem xét đến bối cảnh khó khăn hiện nay trong quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc và cuộc chiến thương mại mà theo nhiều người là không thể tránh khỏi, thì khó ai có thể hy vọng rằng 2 nước có thể đạt được sự đồng thuận trong vấn đề an ninh”, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á và châu Phi (IAAS) của Nga Andrey Karneev nhận định.
Nếu chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục leo thang chiến tranh thương mại đến mức hủy hoại nghiêm trọng quan hệ đôi bên thì rất có thể Trung Quốc sẽ cảm thấy bớt sẵn lòng hợp tác để gây áp lực với Triều Tiên” - Mintaro Oba, cựu quan chức phụ trách vấn đề Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống Barack Obama, nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần