Bộ trưởng Tài chính nói về vụ 20.000 viên thuốc ung thư phải tiêu hủy

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhấn mạnh lại nguyên nhân lô thuốc ung thư máu chậm nhập, Bộ trưởng Bộ Tài Chính cho rằng, không phải do hải quan mà nguyên nhân “liên quan đến thủ tục chuyên ngành”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn.
Sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) nêu sự việc thuốc chữa ung thư ở TP Hồ Chí Minh nhập về nhưng thủ tục quá lâu làm hết thời hạn dùng thuốc, khiến các bệnh nhân ung thư không có thuốc dùng. Ngoài ra, trong lũ lụt, thiên tai, việc nhận cứu trợ từ quốc tế cần phải làm sớm nhưng thủ tục quá lâu nên khi cứu trợ tới được với đồng bào thì quá muộn.
Trả lời đại biểu Nguyễn Quang Tuấn về việc hải quan chậm cho nhập 20.000 viên thuốc Tasigna đặc trị ung thư khiến lô thuốc này phải tiêu hủy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 23/7/2014 lô hàng được đưa lên máy bay đưa về Việt Nam, nhưng qua kiểm tra lô hàng này hạn sử dụng không còn đủ 12 tháng (sản xuất tháng 6/2013).
Theo quy định phải có xác nhận của cơ quan chuyên ngành là Bệnh viện Truyền máu huyết học. Ngày 6/8/2014 sau khi có ý kiến của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), đại diện Công ty TNHH chuyển phát nhanh đến làm việc với hải quan và thông quan ngay trong ngày. Nhấn mạnh lại nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói: "Đây là liên quan đến thủ tục chuyên ngành”.
Trước đó hồi tháng 5/2017, theo kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh, trong năm 2014 và 2015, bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh nhận viện trợ, tài trợ bằng thuốc Glivec 100mg và thuốc Tasigna 200mg (loại thuốc đặc trị ung thư, được dùng trong điều trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy).
Đây là số thuốc được nhập về dưới hình thức viện trợ phi dự án cho bệnh nhân ung thư có thẻ BHYT, tổng cộng 828.272 viên, trị giá gần 809 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do quá trình lập thủ tục xin tiếp nhận lô thuốc viện trợ 34.608 viên Tasigna kéo dài nên dẫn đến bệnh viện còn tồn 19.997 viên không sử dụng hết phải hủy bỏ, gây lãng phí thuốc có giá trị lớn lên đến gần 14 tỷ đồng (theo đơn giá tháng 8/2015 là 700.037 đồng/viên).
Theo giải thích từ phía bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh, tính theo giá của thời điểm năm 2015 và theo giá viện trợ, tổng giá trị lô thuốc này là gần 4 tỷ đồng, chứ không phải tính theo trị giá thời điểm thanh tra là gần 14 tỷ đồng.
Cũng theo giải thích của bệnh viện, sở dĩ thuốc bị hết hạn sử dụng do thời gian hoàn tất các thủ tục hành chính lên tới 12 tháng. Nếu thủ tục được rút ngắn lại, linh hoạt hơn thì sẽ không có việc phải tiêu hủy lượng thuốc lớn điều trị ung thư trong khi người bệnh không có dùng.