Bộ TT&TT sắp chuyển quyền đại diện sở hữu VNPT, MobiFone

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ TT&TT vừa có buổi làm việc với VNPT, MobiFone chuẩn bị chuyển quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Mới đây, lãnh đạo Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với VNPT, MobiFone chuẩn bị quyền đại diện chủ sở hữu về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
 
Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho rằng, việc sáp nhập về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là thuận lợi lớn để VNPT trao đổi và học hỏi kinh nghiệm quản trị từ 18 Tập đoàn, Tổng công ty khác. Vì khi các Tập đoàn, Tổng công ty về chung một Ủy ban thì những khó khăn, vướng mắc sẽ được hỗ trợ giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước là tổ chức chuyên về giám sát và bảo tồn hoạt động vốn tại doanh nghiệp nên tính chuyên nghiệp sẽ rất cao, vì vậy việc áp dụng các cơ chế, thể chế quản lý nhà nước về doanh nghiệp sẽ thực tế hơn.
Lãnh đạo VNPT cũng kỳ vọng, là thành viên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, VNPT sẽ ngày càng rút ngắn được thời gian đưa ra thị trường những sản phẩm mới, rút ngắn được quá trình đầu tư công nghệ mới để thực hiện thắng lợi chiến lược VNPT 4.0 trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước đó ngày 30/9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức ra mắt tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 doanh nghiệp Nhà nước với số vốn chủ sở hữu là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết Ủy ban đã làm việc và ký biên bản hợp tác với các đối tác từ Singapore, Trung Quốc để trao đổi thông tin nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm quản lý vốn hiện tại, theo cơ chế thị trường.
Theo Nghị định mới ban hành, ủy ban này có nhiệm vụ xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định.
Được biết, 19 doanh nghiệp được chuyển giao về Ủy ban bao gồm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cùng 18 doanh nghiệp còn lại là công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài.
Trong số này có 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
11 tổng công ty còn lại gồm Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần