Bộ TT&TT trong năm 2019: Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT khi nói về các mục tiêu được đặt ra tỏng năm 2019 nhằm đưa ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.rn

Thêm 500 triệu số sau chuyển đổi mã mạng
Hôm nay (15/1), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. 
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, trong năm 2018, lĩnh vực bưu chính đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực. Tiêu biểu là việc triển khai hiệu quả Bộ Mã bưu chính quốc gia đạt được thành tích đáng khích lệ khi xếp hạng 50/173 đối với Chỉ số phát triển bưu chính theo xếp hạng toàn cầu 2018 do Liên minh Bưu chính thế giới thực hiện. 
 Chuyển đổi mã mạng điện thoại thành công là một trong những điểm nhấn của viễn thông Việt trong năm 2018
Trong năm 2019, Bộ TT&TT sẽ tập trung vào các trọng tâm như: Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy lĩnh vực bưu chính phát triển làm hạ tầng chuyển - phát và logistics cho thương mại điện tử. Xây dựng cơ sở dữ liệu mã địa chỉ bưu chính chi tiết tới từng địa chỉ hộ dân cư trên cả nước; Thí điểm thực hiện và cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích tại địa phương; Tháo gỡ các rào cản pháp luật, xây dựng định hướng, chiến lược để lĩnh vực bưu chính đạt mục tiêu tăng trưởng 30% trong năm 2019; Hỗ trợ các doanh nghiệp lập hiệp hội doanh nghiệp bưu chính.
Đối với lĩnh vực viễn thông, tính tới thời điểm này, cáp quang đã được triển khai đến tận thôn/bản/xã/phường của 63/63 tỉnh/thành phố trên cả nước, sóng di động đã phủ tới 99,7% dân số. Hạ tầng mạng lưới này đã góp phần đưa “dịch vụ số” vào các hoạt động đời sống kinh tế - xã hội và sẽ là nền tảng vững chắc cho “nền kinh tế số” trong tương lai thông qua việc đầu tư, nâng cấp mở rộng mạng 4G, triển khai 5G.
Triển khai thành công kế hoạch chuyển đổi mã mạng khi dành được 500 triệu số phục vụ cho giao tiếp người - người và khoảng gần 1 tỷ số cho giao tiếp máy - máy. Cùng với đó đã đưa dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số vào cung cấp chính thức từ ngày 16/11/2018 đối với 03 doanh nghiệp di động Viettel, VNPT, Mobifone (Vietnammobile sẽ chính thức tham gia từ 01/01/2019) nhằm đẩy mạnh cạnh tranh, qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp di động nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng.
Trong lĩnh vực viễn thông, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong năm nay sẽ tập trung vào những nội dung đáng chú ý như: Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện; Nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ mới (5G, IoT,...); Thúc đẩy việc phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ phát triển đô thị thông minh; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác thanh kiểm tra thực thi quy định về giá cước và khuyến mại, về chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông theo quy định của pháp luật; tăng cường việc xử lý SIM rác; Sử dụng hiệu quả băng tần để nâng cao chất lượng mạng 4G. Nghiên cứu, cấp phép tần số phục vụ thử nghiệm 5G ...
Với lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), trong năm 2018, Bộ TT&TT đã tích cực phối hợp, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm; thẩm định Kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử giúp đảm bảo triển khai Chính phủ điện tử đạt hiệu quả, tránh đầu tư trùng lặp. Nhờ đó Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 88 (tăng 1 bậc so với 2016) trên tổng số 193 quốc gia được Liên hiệp quốc đánh giá về phát triển Chính phủ điện tử.
Trong năm 2019, Bộ TT&TT sẽ tiến hành xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó là triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Cùng với đó Bộ sẽ tiếp tục phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng năm 2025.
Đối với lĩnh vực "nóng" trong năm 2018 là an toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT đã kiện toàn tổ chức, xây dựng và vận hành hệ thống kỹ thuật tập trung quy mô quốc gia để thực hiện chức năng theo dõi, giám sát ATTT, cảnh báo sớm và xử lý các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam; kịp thời điều phối ứng cứu nhiều sự cố tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị cho các cơ quan, tổ chức về các nguy cơ gây mất ATTT. Tích cực hướng dẫn, điều phối, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, ngăn chặn thư điện tử rác và tin nhắn rác.
Trong năm tới Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đôn đốc, theo dõi tiến độ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet triển khai các biện pháp kỹ thuật tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Phát triển Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Phát triển Mạng xã hội Việt Nam cũng như phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật An ninh mạng ...
Công nghiệp ICT mang về doanh thu “khủng”
Với lĩnh vực Công nghiệp ICT, trong 2018 đây tiếp tục là lĩnh vực đóng góp tỉ trọng lớn nhất trong doanh thu toàn ngành TT&TT với tổng doanh thu ước đạt 98,9 tỉ USD (năm 2017 là 91.5 tỷ USD), xuất khẩu ước đạt 94 tỷ USD. Công nghiệp phần mềm tiếp tục là  duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao 13,8% với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. Công nghiệp phần cứng, điện tử, sản xuất thiết bị viễn thông đạt doanh thu năm 2018 ước đạt 88 tỷ USD, tăng trưởng 7,8% so với năm 2017. Xuất khẩu ngành phần cứng, điện tử, viễn thông ước đạt 85 tỷ USD. Còn doanh thu công nghiệp nội dung số ước đạt 895 triệu USD, xuất khẩu 775 triệu USD. 
 Công nghiệp ICT luôn mang lại doanh thu lớn trong nhiều năm qua
Trong 2019, Bộ TT&TT sẽ hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm hỗ trợ cho dịch vụ phần mềm, hoàn thiện Đề án thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nội dung số Việt Nam, xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực công nghiệp IoT ...
Đối với lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, trong năm đã qua, Bộ TT&TT đã tập trung triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, quy hoạch cơ quan báo chí thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương, hội, doanh nghiệp theo lộ trình, đúng quy hoạch. Bộ đã hoàn thành việc sắp xếp đối với cơ quan báo chí trực thuộc, giảm từ 08 cơ quan báo chí xuống còn 1 Báo và 1 Tạp chí. 
Bên cạnh đó là triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam (chủ yếu là đối với Facebook và Google). Facebook, Google đã phải thiết lập cơ chế xử lý riêng dành cho Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam. Google đồng ý cơ chế Bộ TT&TT gửi các yêu cầu bằng tiếng Việt thay vì bằng tiếng Anh như trước đây. Facebook cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề còn tồn tại và sẽ hình thành nhóm làm việc chung giữa Facebook với cơ quan quản lý Việt Nam. 
Tiến tới 2019, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý báo chí. Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ đấu tranh với Facebook, Google và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới, yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả mạng xã hội tích hợp đa dịch vụ trên nền tảng hạ tầng công nghệ theo định hướng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xây dựng hệ sinh thái số. 
Nói về định hướng chung trong năm nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ chọn chủ đề "Nâng cao thứ hạng Việt Nam". Việt Nam muốn vươn ra biển lớn thì phải có thứ hạng cao. Với phương châm hành động: Người đứng đầu làm gương, nhân viên kỷ cương, làm việc có trọng tâm, suy nghĩ và hành động thì bứt phá. Bứt phá là bỏ cái cũ, cách cũ, theo cái mới, cách mới với mục tiêu nhanh hơn, hiệu quả hơn, thay đổi được thứ hạng. " Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá “. 
Bộ TT&TT sẽ làm việc với tinh thần này. Chủ trương 1, thì biện pháp phải 10, quyết tâm phải 20 thì chúng ta mới có thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra.” Bộ trưởng khẳng định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần