Bộ Xây dựng trả lời về vấn đề dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 86/BXD-QLN gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận trả lời kiến nghị cử tri tỉnh gửi tới Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV về vấn đề dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Ninh Thuận, với nội dung: Theo quy định tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị từ loại 3 trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, để xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, đối với tỉnh Ninh Thuận hiện nay còn hạn chế về nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng nhưng nhu cầu nhà ở của người dân đòi hỏi ngày càng cao. Vì vậy, để phù hợp theo tình hình phát triển địa phương và cân đối trong việc giải quyết vấn đề nhà ở từ đô thị đến nông thôn, cử tri đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, chấp thuận cho tỉnh Ninh Thuận quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng khu vực NƠXH tập trung không nằm trong phạm vi ranh giới các dự án khu đô thị (KĐT) mới, khu nhà ở (kể cả các dự án có quy mô từ 10ha trở lên) nhằm mục đích đảm bảo cho KĐT mới, khu nhà ở hình thành phát triển đồng bộ về không gian kiến trúc cảnh quan và khai thác tối đa giá trị quỹ đất có giá trị trong KĐT mới. Đồng thời sử dụng số tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% do chủ đầu tư nộp đối với quỹ đất xây dựng NƠXH theo quy định để điều tiết các đối tượng theo nhu cầu bức thiết về nhà ở của tỉnh hiện nay.
Bộ Xây dựng trả lời như sau:
Pháp luật về nhà ở không cấm việc quy hoạch, đầu tư các dự án NƠXH tập trung, tuy nhiên việc hình thành các khu NƠXH tập trung đòi hỏi phải có quỹ đất và nguồn vốn đầu tư lớn để phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Các khu NƠXH tập trung thường phải bố trí quy hoạch xa trung tâm đô thị, không đáp ứng được nhu cầu chỗ ở gắn với địa điểm làm việc của đại đa số người lao động trong khu vực đô thị.
 Bộ Xây dựng trả lời ý kiến về việc sử dụng 20% diện tích KĐT để xây nhà ở xã hội (Ảnh: Mai Vân).
Do đó, nếu không gắn dự án NƠXH với nhà ở thương mại thì chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chi phí đầu tư xây dựng NƠXH sẽ tăng cao, không phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng có thu nhập thấp; các đối tượng này không có điều kiện được hưởng hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ gắn với nhà ở thương mại.
Việc dành 20% quỹ đất trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị để đầu tư xây dựng NƠXH đã được quy định tại khoản 2, Điều 16, Luật Nhà ở năm 2014; khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 5, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH.
Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên thì các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị tại các đô thị từ loại 3 trở lên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, được chấp thuận đầu tư sau khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành đều phải dành quỹ đất trong các dự án để xây dựng NƠXH.
Trừ các dự án có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn một trong ba hình thức theo quy định để thực hiện nghĩa vụ NƠXH (nếu chủ đầu tư lựa chọn hình thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước thì UBND tỉnh Ninh Thuận có trách nhiệm bổ sung khoản tiền thu được này vào ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng NƠXH trên phạm vi địa bàn).
Trường hợp bố trí quỹ đất 20% trong dự án có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên để xây dựng NƠXH mà không phù hợp quy hoạch, không phù hợp với nhu cầu thực tế thì UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần