Bộ Y tế cần bỏ toàn bộ y bạ giấy chậm nhất đến 31/12/2020

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/6, Bộ Y tế công bố hoàn thành dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 4 thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chủ trì buổi lễ.

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), triển khai DVCTT để tạo thuận lợi cho người dân và DN trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) các cơ quan Nhà nước, Bộ Y tế đã quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và đầu tư xây dựng DVCTT từ rất sớm.
 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ.
Ngay từ năm 2014, Bộ Y tế đã là một trong số những Bộ tiên phong trong việc thực hiện dịch DVCTT mức độ 4 đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) “Cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm thực phẩm” do Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Cục ATTP và Công ty cổ phần công nghệ DTT thực hiện. DVCTT này cung cấp đầy đủ các giao dịch trực tuyến từ nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí, bổ sung hồ sơ, nhận kết quả, sử dụng chữ ký số. Bộ Y tế cùng là một trong số các Bộ đầu tiên thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia từ năm 2015.
Đến ngày 31/12/2019, sau hơn 5 năm triển khai, Bộ Y tế đã thực hiện được 90 DVCTT thuộc các lĩnh vực ATTP và dinh dưỡng, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, khám, chữa bệnh, khoa học và đào tạo, quản lý môi trường y tế... Đây là nhóm dịch vụ công có số lượng hồ sơ giải quyết lớn, với khoảng gần 400 hồ sơ được tiếp nhận/ngày, nên Bộ Y tế đã chỉ đạo ưu tiên làm trước.
Đến nay, Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp DVCTT mức độ 4 đối với 100% TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, kết nối với cổng Dịch vụ Công Bộ Y tế.
Theo thống kê tính từ ngày 1/1/2020 đến nay, với 321 DVCTT tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là 33.429 hồ sơ. Trong đó, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế 4919 hồ sơ; Cục ATTP 8708 hồ sơ; Cục Quản lý Dược 18.027 hồ sơ; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh 1724 hồ sơ; Cục Khoa học công nghệ và đào tạo 50 hồ sơ; Cục Quản lý môi trường y tế 1 hồ sơ.
Qua đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Y tế đã tăng tốc, đột phá, thực hiện mục tiêu kép vừa tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phòng chống dịch Covid-19 lẫn thực hiện chuyển đổi số trong y tế, đã thực hiện được số TTHC trên môi trường mạng gấp hơn 2,5 lần so với 5 năm trước đó.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ bấm nút khai trương các Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế.
“Đặc biệt, thời gian qua, tất cả các DN, Tập đoàn viễn thông, CNTT đã tham gia vào công cuộc phòng chống Covid-19 rất mạnh mẽ. Chỉ trong mấy tháng qua, chúng ta đã gửi tới 17 tỷ tin nhắn cho người dân, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp về phòng chống dịch bệnh. Tôi tin chắc rằng, rất ít các quốc gia và chắc có lẽ, duy nhất chỉ có Việt Nam mới làm được như vậy” - Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định.
Biểu dương những nỗ lực của Bộ Y tế cùng các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, thời gian tới, Bộ Y tế cần hoàn thiện hệ thống để mọi việc thực hiện thuận tiện, đúng mục tiêu đề ra, đồng thời cần nhân rộng tới tất cả các bộ ngành, triển khai nhanh chóng hoàn thành DVCTT mức độ 4.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu, chậm nhất đến ngày 31/12/2020, Bộ Y tế cần bỏ toàn bộ y bạ giấy; triển khai ứng dụng DVCTT từ xã lên đến các bệnh viện, đảm bảo tất cả các thông tin của người dân được tích hợp, phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe sau này.
“Bên cạnh đó, về cơ bản, Bộ Y tế phải tập hợp xong toàn bộ hệ thống thông tin về nguồn lực của ngành y tế, quản lý minh bạch và công khai. Mục đích chính của ứng dụng CNTT vào ngành y tế nhằm công khai, minh bạch đến toàn dân. Do đó, Chính phủ cần sự quyết tâm từ những người đứng đầu của các Bộ, cục, các đơn vị, cùng với cách làm cần cầu thị, liên tục đổi mới” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo. 
Với niềm tin ngành y tế của Việt Nam không giàu có nhưng rất hiệu quả như đợt chống dịch Covid-19 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Bằng việc ứng dụng CNTT kết hợp với hệ thống y tế sẵn có, Việt Nam sẽ có nền y tế hiệu quả”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần