Boeing - “Đứa con” Mỹ đã quá nuông chiều?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ethiopia có lý lẽ khi yêu cầu các chuyên gia châu Âu, thay vì người Mỹ, phân tích hộp đen chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 bị rơi hôm 15/3.

Dòng máy bay phản lực Boeing 737 MAX đã bị cấm bay trên toàn cầu. 
Không quá nếu nói rằng, nhắc đến Boeing là nhắc tới nước Mỹ, khi gã khổng lồ ngành hàng không và hàng không vũ trụ này chiếm tới 11% tỷ trọng vốn hóa trong Dow Jones - chỉ số chứng khoán đo lường giá trị vốn hóa của 30 DN lớn nhất tại Mỹ. Với doanh thu hiện đạt hơn 100 tỷ USD/năm, tập đoàn Boeing đang đóng vai trò đầu tàu sản xuất, trở thành biểu tượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và một khi “đứa con” sáng giá như thế của cường quốc mắc sai lầm nghiêm trọng như lúc này, trách nhiệm thuộc về ai sẽ là câu hỏi lớn không chỉ người Mỹ quan tâm.
Mối quan hệ mờ ám
Như một tiêu chuẩn được chấp nhận trong ngành hàng không thế giới, rằng khi quyết định đình chỉ bay đối với một loại thiết bị do vấn đề an toàn, thông thường sẽ cần xuất phát từ cơ quan quản lý của nhà sản xuất. Trong trường hợp chiếc Boeing 737 Max 8 của hãng hàng không Ethiopia Airlines bị rơi hồi cuối tuần trước - đáng nói là sau chưa đầy 5 tháng xảy ra tai nạn giết chết 186 người của một chiếc máy bay cùng dòng tại Indonesia - tuyên bố của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) được mong chờ hơn bao giờ hết.
Nguyên tắc này có thể là lý do khiến nhiều quốc gia châu Âu vẫn tỏ ra “kiên nhẫn” với dòng phản lực bán chạy nhất của Boeing trong những ngày đầu sau thảm kịch khiến 157 người bỏ mạng hôm 15/3, kể cả khi các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia và Ethiopia gần như ngay lập tức phát lệnh cấm. Hiểu đơn giản, đây là một hệ thống cần được củng cố bởi niềm tin. Tuy nhiên, Mỹ - không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới - đang thịnh hành một xu hướng đáng lo ngại rằng nhiều cá nhân làm việc cho các DN và sau đó được chấp thuận làm việc cho những tổ chức chịu trách nhiệm quản lý và điều chỉnh các công ty cũ của mình, hoặc ngược lại. Điều này, một khi liên quan vấn đề sinh tử như máy bay, thì thực sự rất đáng báo động.
Báo cáo từ Washington Post hồi cuối tuần qua đã đặt ra nghi vấn về tính độc lập của FAA, khi chỉ ra rằng người đứng đầu cơ quan này từng làm việc cho American Airlines và Hiệp hội các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ - nơi mà Boeing là một trong số các thành viên quan trọng nhất. Một cuộc điều tra của Thời báo Seattle mới đây công bố “chấn động” rằng trong những năm gần đây, FAA đã ủy thác nhiều quyền hạn hơn đối với việc phê duyệt máy bay mới cho chính nhà sản xuất, thậm chí với Boeing là cho phép công ty này tự chọn nhân viên giám sát các thử nghiệm và chứng từ an toàn cho máy bay của chính mình.
Cũng theo báo cáo này, ít nhất một phần trong phần mềm điều khiển của loạt 737 Max 8 gặp nạn đã được chứng nhận bởi một hoặc nhiều nhân viên Boeing làm việc trong một tổ chức được thuê ngoài. Đáng nói, phần lớn nghi vấn về nguyên do dẫn đến các sự cố vừa qua của 737 Max hiện đang chủ yếu tập trung vào hệ thống kiểm soát chuyến bay mới - được gọi là Hệ thống tăng cường đặc tính cơ động (MCAS) - mà theo các kỹ sư giấu tên thì sức mạnh của nó đã bị đánh giá sai trong bản phân tích an toàn hệ thống gửi tới FAA.
Theo Tạp chí Phố Wall, các công tố viên Liên bang và Bộ Giao thông Vận tải Mỹ đang xem xét kỹ lưỡng giấy phép của FAA đối với loạt máy bay MAX, trong khi bồi thẩm đoàn đã đưa ra trát hầu tòa cho ít nhất một thành viên có liên quan. Rõ ràng, mối quan hệ thiếu minh bạch giữa Boeing và cơ quan quản lý đầu ngành đang làm xói mòn niềm tin của quốc tế đối với không chỉ tập đoàn này mà với cả cơ chế hiện hành của nước Mỹ.
Liệu có “bàn tay” chính phủ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lần phát biểu tại một nhà máy lắp ráp của Boeing hồi 2017.
Đã có những nghi vấn về lợi ích nhóm tại Washington trong vụ bê bối hiện nay của Boeing, trong đó nổi lên là vai trò của Tổng thống Donald Trump khi ông đã ký Sắc lệnh hành pháp 13771 ngay khi vừa nhậm chức. Nội dung của nó là nhằm giảm thiểu quy định và kiểm soát chi phí điều tiết, trong khi đòi hỏi Bộ Giao thông Vận tải nước này phải chủ động xác định và cắt giảm các quy định được coi là cồng kềnh hoặc tốn kém cho DN. Sắc lệnh này đã tạo hành lang pháp lý cho những thay đổi trong việc ủy quyền giữa FAA và Boeing những năm gần đây.
Tuy nhiên, cũng cần công bằng hơn với chính quyền Tổng thống Trump - người chính thức tiếp quản Nhà Trắng kể từ tháng 1/2017. Bloomberg hôm 19/2 cho biết, ngay từ năm 2012, nhiều nhân viên của FAA đã cảnh báo rằng Boeing đang có ảnh hưởng quá lớn trong sự chấp thuận an toàn đối với các máy bay mới. Điều này được cho là đã dẫn đến một cuộc thăm dò của chính phủ, cho thấy FAA đã buông lỏng trách nhiệm của Boeing, trong khi một số cá nhân liên quan tố cáo rằng họ bị trả thù nếu dám đề cập đến các sai phạm.
Cho đến cùng, có lẽ không phải FAA, chính phủ Mỹ, hay chính quyền các quốc gia khác mà chính sự thay đổi chuyến bay của hành khách và việc xem xét lại đơn đặt hàng máy bay của nhiều hãng nhằm đảm bảo an toàn mới là “thế lực” quyết định đình chỉ Boeing 737 MAX. Điều này như là bài học thực tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của một thị trường cạnh tranh tự do, chống độc quyền - điều được nhận định là một thực trạng còn khó thay đổi nơi ngành công nghiệp máy bay phản lực của thế giới. (Đọc thêm về vấn đề này tại đây)