Bội chi cao, dư địa ngân sách mỏng, lo nợ công vượt trần

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu mức bội chi và bảo lãnh Chính phủ của Việt Nam vẫn như hiện nay, tỷ lệ nợ công có thể sẽ vượt trần cho phép những năm tới (65% GDP). Mặt khác, dư địa ngân sách ngày càng mỏng khiến nợ công hoàn toàn có thể mất bền vững ngay cả với những cú sốc nhẹ.

Đó là một trong những cảnh báo quan trọng mà báo cáo "Đánh giá chi tiêu công Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Tài chính công bố ngày 3/10 nhấn mạnh.
Chi thường xuyên cao
Số liệu từ Báo cáo đánh giá chi tiêu công cho thấy, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu - bình quân chiếm 29,2% GDP trong giai đoạn 2011 - 2015 ở mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương. Đặc biệt, cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70:30 trong thời kỳ 2011 - 2015 so với 63:37 của thời kỳ 2006 - 2010. Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương, phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay. Quỹ lương tăng nhanh, chiếm khoảng khoảng 20% tổng chi ngân sách, chủ yếu do tăng lương cơ sở và tăng số lượng công chức, viên chức, với tốc độ cao hơn tốc độ tăng dân số, đặc biệt là ở cấp địa phương.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Về chi đầu tư, mặc dù giảm tỷ trọng trong tổng chi tiêu NSNN, nhưng vẫn được duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới. Nếu so với tổng đầu tư toàn xã hội, chi đầu tư từ NSNN chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011 - 2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kỳ 2006 - 2010, cho thấy đầu tư của Nhà nước vào hạ tầng công cộng vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian qua, chủ yếu do cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện đang còn ở mức thấp, chưa phát triển. Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2015, chi đầu tư của địa phương chiếm khoảng 70% tổng chi đầu tư công, thuộc dạng cao nhất trong các quốc gia đang phát triển với mức trung bình khoảng gần 40%.
Nợ công so với GDP đã tăng từ mức 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015. Trong số này, báo cáo cho thấy, nợ trực tiếp của Chính phủ ước tính ở mức 43,3% GDP (năm 2015), gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực. Điều đáng lo khác theo bà Vũ Hoàng Quyên - Chuyên gia kinh tế cao cấp WB là nợ của chính quyền địa phương. Khoản này hiện chưa lớn (0,9%GDP năm 2015) nhưng theo bà "tình hình căng thẳng hơn cả Trung ương".
Giảm bội chi và duy trì nợ công
Mặc dù vẫn trong ngưỡng dưới 65% GDP nhưng báo cáo của WB và Bộ Tài chính chỉ ra, nếu bội chi ngân sách vẫn được duy trì như hiện nay, thì tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần. Trước đó, trong 2 năm liên tiếp 2015 và năm 2016, tỷ lệ bội chi đều vượt ngưỡng 5% GDP.
Vì thế, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện một lộ trình củng cố tình hình tài khóa, để đảm bảo sự bền vững tài khóa song không hoặc ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có cam kết mạnh mẽ về giảm bội chi và duy trì nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép (65% GDP). Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường động lực tăng trưởng bền vững. Cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, bao gồm phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa đầu tư và thường xuyên, và giữa các lĩnh vực trong cùng một ngành. Ngoài ra, cần duy trì và nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản thông qua việc từng bước tăng chi khai thác và duy tu bảo dưỡng qua kế hoạch tài chính-ngân sách và kế hoạch đầu tư trung hạn.
Báo cáo cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục nâng cao công bằng trong phân phối nguồn lực giữa các địa phương; tiếp tục cải cách các thể chế quản lý tài chính công, trong đó cần tăng cường mức độ toàn diện và minh bạch của ngân sách, tăng cường cơ chế quản lý hiệu quả hoạt động và giải trình trách nhiệm, tăng cường giám sát và kiểm toán của cơ quan kiểm toán nhà nước và kiểm toán bên ngoài...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần