Bồi đắp văn hóa giao thông

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông do thói quen tuân thủ luật theo kiểu “đối phó” của một bộ phận người tham gia giao thông.

Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tại đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sự thiếu ý thức
Chiều cuối năm Canh Tý, nút giao thông Trần Phú – Nguyễn Văn Lộc đông như mắc cửi. Dù không phải nút giao lớn nhưng từ lâu, khu vực này luôn đông và ngột ngạt bởi lượng phương tiện qua lại vượt ngưỡng tải của hạ tầng giao thông. 14 giờ 45 phút, tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu đỏ cho chiều di chuyển đường Trần Phú. Dòng phương tiện từ đường Nguyễn Văn Lộc ùn ùn dịch chuyển, bất ngờ một chiếc xe máy điện và một xe gắn máy loại dưới trên đường Trần Phú, hướng từ Hà Đông về Ngã Tư Sở phóng vụt lên, vượt đèn đỏ để hướng về phía trước.

Liền sau đó, hai xe mô tô do hai nam thanh niên điều khiển, chạy trên đường Trần Phú theo hướng từ Ngã Tư Sở về Hà Đông còn liều lĩnh hơn khi vượt đèn đỏ băng chéo sang làn đường đối diện để rẽ vào cây xăng bên đường. Những trường hợp vượt đèn đỏ tại nút giao Trần Phú – Nguyễn Văn Lộc đã khiến không ít người tham gia giao thông "sốc". Nhiều chủ phương tiện được ưu tiên di chuyển buộc phải dừng lại nhường đường cho những “kẻ liều lĩnh”. Tiếng còi xe, tiếng quát tháo... inh ỏi.

Anh Đào Trung Kiên (trú tại phố Đại An, phường Văn Quán, quận Hà Đông) cho biết, tình trạng phương tiện vi phạm giao thông tại nút giao Trần Phú – Nguyễn Văn Lộc xảy ra “như cơm bữa”, đặc biệt vào những ngày cuối năm. “Ngày nào tôi cũng phải đi qua nút giao này. Nói chung vẫn còn rất nhiều người tham gia giao thông thiếu ý thức” – anh Kiên nói. Trên thực tế, vi phạm giao thông như tại nút giao Trần Phú – Nguyễn Văn Lộc vẫn xuất hiện trên nhiều con đường, tuyến phố ở Hà Nội.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bắt nguồn từ cả hai phía: Lực lượng chức năng và người tham gia giao thông.

Hiện nay, cách chấp hành luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn diễn ra theo kiểu “đối phó” chứ không phải tự giác. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến một hiện tượng phổ biến trên đường, đó là khi lực lượng chức năng có mặt, mọi người chấp hành rất nghiêm chỉnh, khi không thấy bóng dáng lực lượng chức năng lại mạnh ai nấy đi. Nói rộng ra, cuộc vận động xây dựng văn hóa giao thông mà chúng ta triển khai từ nhiều năm qua, vẫn còn cách đích đến một quãng đường khá xa.

Hiện nay, các quy định xử phạt lỗi vi phạm giao thông đã đầy đủ. Trong khi đó, lực lượng chức năng đã được Nhà nước đầu tư và ưu tiên khá nhiều, có điều kiện và năng lực để thực hiện công vụ được giao. TS Nguyễn Hữu Đức nhận định thêm: “Vào thời điểm cuối năm, lực lượng CSGT cũng như thanh tra giao thông có rất nhiều việc phải làm chứ không chỉ là tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Nên nếu cho rằng lỗi vi phạm gia tăng cuối năm là lỗi của lực lượng chức năng cũng không đúng”. Còn với người tham gia giao thông, chừng nào vẫn còn những người tuân thủ luật giao thông theo kiểu “đối phó”, chừng đó còn nỗi lo về trật tự, ATGT.

Tăng cường thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP

Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội lại quan tâm đến một vấn đề nóng khác trong việc xử lý vi phạm giao thông cuối năm và đầu Xuân mới, đó là vi phạm nồng độ cồn. Theo luật sư Bùi Đình Ứng, với sự ra đời của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông đã được hạn chế rất nhiều. “Kể từ khi Nghị định 100 có hiệu lực đến nay, các vi phạm liên quan đến sử dụng bia, rượu, đồ uống có cồn khi tham gia giao thông đã giảm đáng kể” – luật sư Bùi Đình Ứng nói và nhận định thêm, sở dĩ có sự chuyển biến này là do chế tài xử phạt với vi phạm nồng độ cồn trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã được tăng lên rất cao so với trước kia. “Rõ ràng, chế tài mạnh đã có tác dụng răn đe hữu hiệu. Một khi hành vi sai phạm sẽ bị trả giá bởi chính “túi tiền” và “nồi cơm” của người vi phạm, đương nhiên họ sẽ phải cân nhắc, suy nghĩ thật kỹ trước khi có dám... phá rào hay không” – luật sư này phân tích.

Tuy nhiên, chế tài chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, theo nhiều chuyên gia, cần phải tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên tuyền, nâng cao ý thức người dân về hậu họa khôn lường của việc sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông để người dân từ bỏ thói quen xấu này. Thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu đã cận kề. Đây cũng là thời điểm mức độ tiêu thụ bia, rượu của người dân tăng cao nhất. Vì vậy, các lực lượng chức năng cần phải tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trong thời gian này. Chỉ khi nào chúng ta triệt tiêu được cái gọi là “văn hóa bia rượu” và lan tỏa “văn hóa giao thông”, khi đó tai nạn sẽ giảm.

Quan trọng nhất là phải xây dựng được văn hóa giao thông. Nhưng đây là công việc cần nhiều thời gian và phải thực hiện đồng bộ, liên tục với nhiều giải pháp mới có kết quả như mong muốn.

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức