“Bơi” thế nào trong “biển” lớn TPP?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ được lợi gì và đứng trước những thách thức nào? Đây là câu hỏi đang được nhiều chuyên gia kinh tế cũng như nhà quản lý và các DN quan tâm.

Nhân dịp năm mới 2016, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS Trần Du Lịch – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.
“Bơi” thế nào trong “biển” lớn TPP? - Ảnh 1

Thưa ông, TTP được đánh giá có độ mở, độ tự do hóa cao nhất so với các hiệp định thương mại mà chúng ta đã tham gia. Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về những cơ hội của Việt Nam khi gia nhập TPP?

- So với các nước trong khối TPP, Việt Nam là nước có nền kinh tế nhỏ với mức lương trung bình thấp, nhưng lại có nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm xuất khẩu mới khi Mỹ và Nhật Bản là những thị trường nhập khẩu lớn.

Thống kê cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên TPP năm 2014 đạt 58,41 tỷ USD, trở thành nước xuất siêu tại 7/11 nền kinh tế. Theo Ngân hàng thế giới, các nước thành viên TPP hiện chiếm 38,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó riêng Mỹ đã chiếm gần 21% và Nhật Bản chiếm gần 9%.
Khi tham gia TPP, mức độ mở cửa thị trường  dịch vụ tài chính của Việt Nam sẽ tăng lên, tạo thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đây là điều kiện tốt cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp hơn.

Hiện nay, đầu tư trực tiếp của các nước trong khối TPP vào Việt Nam ước đạt 100,4 tỷ USD, chiếm 40% tổng lượng vốn FDI và hy vọng tiếp tục tăng khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Dòng vốn từ các thành viên TPP có trình độ phát triển cao sẽ mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ cũng như kỹ năng quản lý, hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Việc tăng đầu tư sẽ thúc đẩy sự hình thành vốn cố định và tạo cơ hội cho Việt Nam khai thác lợi thế tiềm năng về nông nghiệp cũng như dệt may, giầy da... DN Việt Nam sẽ có cơ hội tốt tận dụng thuế xuất nhập khẩu thấp vào các nước TPP để mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập…

Song hành với cơ hội là không ít thách thức, theo ông đâu là những khó khăn mà các DN và nền kinh tế Việt Nam, nhất là những ngành được đánh giá là nhạy cảm như chăn nuôi, dệt may, da giày… gặp phải khi “bơi” trong biển lớn TPP?

- Dù tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng công nghệ thấp, có tỷ lệ thâm dụng lao động cao. Ngoài ra, xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu thô hoặc gia công. Điều này đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa trở nên yếu kém. Quy mô DN xuất khẩu  còn nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính, khiến hoạt động của các DN xuất khẩu trở nên không bền vững, không chi phối được thị trường.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt, vì sản phẩm chăn nuôi của một số nước trong TPP đều sản xuất theo quy trình công nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.
“Bơi” thế nào trong “biển” lớn TPP? - Ảnh 2
Mặt khác, theo quy tắc xuất xứ hàng hóa trong TPP, các sản phẩm từ một nước thành viên trong TPP sang các thành viên khác đòi hỏi phải có xuất xứ nội khối, không sử dụng các nguyên vật liệu của nước thứ 3 ngoài thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi về thuế suất. Đây là những trở ngại rất lớn với các DN của Việt Nam, đặc biệt là trong ngành dệt may và da giày.

Hơn nữa, việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam tăng nhanh, với giá cạnh tranh hơn sẽ dẫn tới hệ quả tất yếu là thị phần hàng hóa liên quan đến Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn và ngày càng gay gắt...

Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta không nên quá bi quan, bởi trong kinh tế không phải lớn là đã mạnh, nhỏ đã yếu mà có những chiến lược bài bản và tìm lợi thế từ thị trường ngách để nâng cao sức cạnh tranh.
Mặc dù Việt Nam cũng đã có những động thái chủ động chuẩn bị từ khi tham gia TPP, song với những thách thức như ông vừa nói, chúng ta cần chuẩn bị gì để đảm bảo hội nhập thành công?
- Chúng ta cần sớm nâng cao năng lực cạnh tranh ở 3 vấn đề là cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh DN và cạnh tranh sản phẩm. Trong đó, cạnh tranh quốc gia là cực kỳ quan trọng, bởi nó là quy chuẩn của quốc gia đó, là uy tín quốc gia đó trên trường quốc tế.  

Nếu uy tín quốc gia được nâng cao sẽ tạo điều kiện ban đầu rất tốt cho DN Việt Nam cạnh tranh. Tôi ví dụ, một DN của Nhật Bản chưa biết năng lực như thế nào, nhưng vì là DN của Nhật Bản là người ta đã tin rồi. Bởi, Nhật Bản là quốc gia có uy tín cao trong cạnh tranh quốc gia trên thế giới.

Đối với cạnh tranh, các DN Việt Nam phải tính toán lại vấn đề tái cấu trúc sản phẩm, tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc thị trường để nâng năng lực cạnh tranh lên. Tôi tin, những thách thức này nhiều DN Việt Nam sẽ vượt qua.

Còn cạnh tranh sản phẩm, các DN cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu cho mình và đừng đi “thở bằng phổi người khác”, tức là anh sản xuất bằng thương hiệu người khác. Hiện, một số DN Việt Nam đã làm rất tốt điều này, như các sản phẩm có thương hiệu trong lĩnh vực may mặc và da giày…

Thưa ông, vậy chúng ta phải làm gì để nâng tầm cạnh tranh quốc gia?

- Tôi cho rằng, cạnh tranh quốc gia phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, đó là: Thể chế tốt; kết cấu hạ tầng tốt; nguồn nhân lực tốt.

Thứ nhất, về thể chế hiện nay, Quốc hội đã sửa đổi toàn bộ hệ thống pháp luật, cơ bản đã đáp ứng được vấn đề hội nhập. Vừa rồi, Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Phá sản, Bộ luật Tố tụng dân sự và Hình sự, Luật Hàng hải… đã được sửa đổi để tạo ra một hệ thống, thể chế tương thích với khu vực và thế giới. Hiện nay, DN trong nước chỉ tuân thủ hệ thống pháp luật trong nước cũng đủ nội luật hóa các cam kết quốc tế.

Thứ hai, kết cấu hạ tầng, mặc dù hạ tầng có thay đổi nhiều nhưng chi phí hạ tầng hiện nay rất cao. Ví dụ: Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà một chuyến xe tải tốn phí lưu thông cả triệu bạc thì DN nào chịu nổi. Vấn đề là phải kéo giảm được hai loại chi phí mà DN gánh chịu rất nặng nề là phí về giao thông, trong đó có phí chính thức và tiêu cực phí. Tiếp đó là chi phí tài chính, vì lãi suất vẫn còn quá cao so với khu vực. Hai loại chi phí này là áp lực rất lớn mà DN phải gánh, dẫn đến không nâng cao được tiền lương công nhân, không nâng được năng suất lao động...

Thứ ba là nguồn nhân lực, thực tế, chúng ta thiếu cả thầy lẫn thợ, đang thừa loại “nửa thầy, nửa thợ”. Bởi hiện nay, 50% ở các trường đại học lấy trình độ đại học để dạy đại học thì sản phẩm tạo ra chỉ là “nửa thầy, nửa thợ” mà thôi. Vấn đề cốt tử hiện nay là giải quyết được số lượng “nửa thầy nửa thợ” này. Tôi cho rằng, không nhất thiết con nhà ai sinh ra cũng phải vào đại học hết, mà cần phải “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Vì thế, chúng ta cần phải đầu tư vào các trung tâm dạy nghề có chất lượng cao, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của DN…

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần