Bồi thường oan sai: Không cò kè thêm bớt với người bị oan

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Qua thực tiễn việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại, tạo ra một cảm giác là cơ quan chức năng liên quan, cò kè thêm bớt với người dân...”, đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) phát biểu.

Ngày 31/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước sửa đổi. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) thảo luận về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước cho rằng, tại dự thảo quy định nguyên tắc thương lượng trong quá trình bồi thường và “tôi đồng tình với quy định là việc bồi thường Nhà nước cần tuân thủ nguyên tắc thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tai phiên thảo luận.
Đại biểu nhấn mạnh, việc thương lượng nếu có, phải mang tính nhân văn. Nghĩa là thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn, có lợi cho Nhân dân hơn. Chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường.
“Qua thực tiễn việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan, bị thiệt hại, tạo ra một cảm giác là cơ quan chức năng liên quan, cò kè thêm bớt với người dân và người dân đã bị thiệt hại rõ ràng, mà cứ bị thương lượng nhằm giảm bớt các khoản bồi thường.
Cho đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa nên buộc họ phải chấp nhận mức bồi thường cơ quan Nhà nước đưa ra, như vậy là không công bằng, có thể đây là một kẽ hở, dễ bị lợi dụng, cũng như dễ lạm dụng trong quá trình bồi thường”, đại biểu Sang góp ý.
Nếu chỉ quy định việc thương lượng theo nguyên tắc trên cũng khó thực hiện cũng như tính thực thi của luật không cao. Do vậy, đại biểu Sang đề nghị cần có quy định cũng như giải trình rõ ràng hơn, cụ thể hơn về thời gian, quyền, trách nhiệm của bên thương lượng bồi thường cũng như quyền, trách nhiệm của người được thương lương bồi thường trong quá trình bồi thường để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và công dân.
Phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, thương lượng là nguyên tắc được áp dụng trong khi giải quyết bồi thường và đã thống nhất theo nguyên tắc thủ tục dân sự.
Đây là cách tiếp cận chung của các nước và cũng là cách tiếp cận của luật hiện hành. Mặc dù, một bên là các cơ quan Nhà nước và một bên là công dân. Trên tinh thần như vậy, Điều 46 đã có thiết kế kỹ về bồi thường, thương lượng từ thành phần cho đến địa điểm, nội dung và quy trình.
“Chúng tôi cũng ý thức được rằng, thương lượng ở đây tức là để thống nhất và bàn giữa các bên, tạo thỏa thuận trước khi quyết định thực hiện việc bồi thường chứ không hẳn cò kè thêm bớt với công dân. Thực tâm mà nói là như vậy”, Bộ trưởng bày tỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần