Bốn lý do sớm kết thúc cuộc chiến thuế quan mà chẳng cần thượng đỉnh Mỹ - Trung

Hương Thảo (Theo Nikkei)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới chuyên gia dường như không mấy để tâm đến lời đe dọa tăng thuế của Tổng thống Trump ngay trước thềm cuộc gặp với ông Tập.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. 
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G-20, dự kiến diễn ra vào thứ 6 và thứ 7 tuần này tại thủ đô Argentina, đang được mong chờ như là một thời khắc quan trọng đối với thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên ngay cả khi 2 nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận nào tại cuộc gặp này, thì vẫn có ít nhất 4 dấu hiệu cho thấy một sự hạ nhiệt cận kề của cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung.
Thứ nhất, như một nghịch lý, chính là sự thay đổi gần đây trong luận điểm của Washington rằng sẽ tập trung ngăn cản Trung Quốc phát triển thành một thế lực công nghệ có thể thách thức quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ. Bắc Kinh đã tỏ ra chuẩn bị khá nhiều công cụ chính sách nhằm hạn chế thiệt hại của nền kinh tế Trung Quốc trước ảnh hưởng thuế quan của Mỹ. Trong phạm vi thuế quan đã giảm xuất khẩu Trung Quốc, chính phủ và ngân hàng T.Ư có thể bù đắp các tác động kinh tế bằng cách kích thích nhu cầu trong nước.
Sự sụt giảm trong tăng trưởng sản phẩm nội địa của Trung Quốc vào năm nay đã gần như buộc nước này phải cải cách hệ thống ngân hàng, cắt giảm các khoản vay của chính quyền địa phương, giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hạn chế giá nhà bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ. Đáng nói là tất cả các chính sách thắt lưng buộc bụng này đều có thể dễ dàng được làm mềm hoặc đảo ngược.
Những nghi ngờ về sự sẵn sàng của chính quyền Tập Cận Bình trong việc thay đổi chính sách kinh tế, từ thắt chặt sang kích thích, đã được xua tan trong vài tuần qua. Những tuyên bố rõ ràng từ các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, theo chủ trương của Chủ tịch Tập, đã chỉ ra rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép bất kỳ sự suy yếu nào đối với nền kinh tế đất nước trong năm tới, thậm chí nếu điều đó có đồng nghĩa với việc chấp nhận một mức thâm hụt ngân sách lớn hơn hay giảm bớt sự thắt chặt ngân hàng và chính sách tiền tệ.
Lý do thứ hai, một phần bắt nguồn từ thế "phòng thủ" khá chủ động của chính quyền Bắc Kinh đang ngày càng trở nên rõ nét, chính là sự thay đổi tất yếu trong tính toán chính trị của Tổng thống Trump. Nếu ông Trump muốn một "chiến thắng lớn" về thương mại Trung Quốc để làm bàn đẩy cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, ông chủ Nhà Trắng sẽ cần phải đạt được một thỏa thuận với Nhà lãnh đạo Trung Quốc - càng sớm càng tốt. Điều này còn được thủy đẩy bởi giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến thương mại - khi mức thuế tăng từ 10% lên 25% và có thể mở rộng trên tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc - sẽ trở nên bất lợi với phần đông cử tri Mỹ, đồng thời gây thiệt hại nhiều hơn cho triển vọng kinh tế Mỹ.
Rủi ro chính đối với nền kinh tế Mỹ không phải là từ sự trả đũa của Trung Quốc đối với nông dân hay các công ty đa quốc gia Mỹ, mà đa phần là từ hiệu ứng thuế quan kiểu Keynes của ông Trump. Ông Trump tin rằng mức thuế "rát" của Washington, ngoài việc tạo áp lực với Bắc Kinh, sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm tại Mỹ - mang ý nghĩa lớn trong thời điểm suy thoái và thất nghiệp hàng loạt. Tuy nhiên với một nền kinh tế Mỹ hiện đã hoạt động hết công suất, sản xuất trong nước sẽ khó tạo ra sự thay thế đáng kể đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là chi phí thuế quan sẽ tác động chủ yếu vào người tiêu dùng Mỹ và các nhà nhập khẩu, khiến lạm phát và lãi suất của Mỹ tăng cao, hơn là hiệu quả trong khả năng "hạ gục" các hoạt động kinh tế của Trung Quốc.
Dấu hiệu thứ ba đến từ các cuộc đàm phán trước nay của Tổng thống Trump, cho thấy tiền lệ rõ nét về một sự hạ nhiệt khá sớm. Trong tất cả các cuộc đối đầu ngoại giao lớn của vị Tổng thống thứ 45 nước Mỹ - về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, về bức tường biên giới Mexico, hay trong bản sửa đổi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ - sự leo thang khẩu chiến sẽ được đẩy đến ngưỡng gần như là bờ vực của chiến tranh, để rồi sau đó đột ngột kết thúc bằng một sự thương lượng đầy chiến thuật. Trường hợp gần đây nhất, gây nhiều bất ngờ, chính là động thái nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran của Washington nhằm đảo ngược sự gia tăng giá dầu trên 80 USD/thùng.
Phong cách đàm phán của ông Trump - có đôi chút không mạch lạc và thiếu trung thực, nhưng nó đã mang lại một số thành công đáng kể cho bản thân ông, chứ không hẳn là với lợi ích quốc gia của Mỹ, khi cho phép Tổng thống kích thích những người theo chủ nghĩa dân túy cứng rắn. Một thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh G-20 với ông Tập Cận Bình sẽ là phù hợp với mô hình này.
Cuối cùng, thực tế là một "trận hòa" hay sự tạm ngừng gia tăng thuế lúc này sẽ là chấp nhận được đối với Trung Quốc và cũng gần như đáp ứng được mục tiêu của ông Trump. Nhiều khả năng cho thấy Washington có thể giành được một thỏa hiệp liên quan đến một số nhượng bộ từ Bắc Kinh, về quy mô cân bằng thương mại, luật sở hữu trí tuệ, mở rộng thị trường cho các công ty đa quốc gia và tài chính của Mỹ... Trên thực tế, Trung Quốc đã đồng ý rằng họ có thể đáp ứng khoảng 40% trong tổng số 142 yêu cầu thương mại của Mỹ vào đầu năm nay và có thể thương lượng thêm 40%.
*Bài viết thể hiện quan điểm của Nhà kinh tế học Anatole Kaletsky - Giám đốc công ty Nghiên cứu Gavekal Dragonomics và là tác giả của cuốn "Chủ nghĩa tư bản 4.0, Sự ra đời của một nền kinh tế mới".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần