Bóng đá nữ: Cái khó bó cái khôn

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi bóng đá nước nhà ồn ào với chuyến du đấu của U20 Argentina và thất bại không thể tiêu hóa của U22 Việt Nam cũng là lúc giải Vô địch quốc gia (VĐQG) nữ - Cúp Thái Sơn Bắc 2017 khai màn.

Và như thường lệ, người ta lại một lần nữa nói về sự thua thiệt, thiếu được quan tâm của bóng đá nữ.
Ngàn câu hỏi vì sao

Câu chuyện thường được giới truyền thông nhắc đến với tất cả sự ngao ngán là cảnh khán đài giải VĐQG nữ hầu như không có khán giả. Các cô gái thi đấu giữa những khán đài mênh mông thì khó lòng có được sự thăng hoa về chuyên môn.

Các cầu thủ bóng đá nữ thường xuyên thi đấu trên sân cỏ vắng bóng khán giả.

Rất nhiều người ngạc nhiên vì bóng đá nữ Việt Nam luôn nhận được sự yêu mến của dư luận bởi tinh thần vượt khó. Và có một thực tế là chỉ có bóng đá nữ mới giúp bóng đá Việt Nam thống trị đấu trường khu vực, thậm chí là có tiếng nói trên đấu trường châu lục. Sau mỗi giải đấu quốc tế, bóng đá nữ luôn nhận được sự tôn vinh từ các cấp quản lý lẫn giới truyền thông và dư luận. Ấy vậy nhưng, tất cả sự yêu mến ấy không thể giúp bóng đá nữ có được sự hậu thuẫn khi trở lại với đấu trường quốc nội. Bất chấp việc Ban tổ chức giải đã cố gắng tổ chức tường thuật thật nhiều trận đấu trên truyền hình. Và đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, những trận đấu không có truyền hình trực tiếp đều được phát qua mạng xã hội với sự hỗ trợ từ nhà tài trợ Thái Sơn Bắc.

Người ta càng so sánh bởi trước khi giải VĐQG nữ khai mạc đúng một ngày, sân Thống Nhất dường như không còn một chỗ trống khi U20 Việt Nam thi đấu giao hữu với U20 Argentina. Với riêng các nữ cầu thủ, họ không khỏi chạnh lòng khi phải thi đấu mà không có sự hưởng ứng của những người yêu mến. Càng đáng nói hơn, giải VĐQG nữ 2017 cũng là dịp để các nhà chuyên môn lựa chọn và xây dựng đội hình cho VCK Asian Cup 2018.

Hoạt động cầm chừng đã là cố gắng

Nhiều người đã chỉ trích Ban tổ chức giải không chịu đổi mới phương thức tổ chức để thu hút khán giả đến sân. Rằng, tại sao lại đem giải đấu đến sân Thống Nhất - nơi đã quá quen với sân chơi này để rồi không có khán giả. Thêm nữa, rất nhiều người đã kiến nghị VFF phải thay đổi thể lệ thi đấu khi tổ chức theo mô hình sân nhà - sân khách nhằm giúp các đội bóng có lực lượng cổ động viên ủng hộ. Ngoài ra, người ta yêu cầu phải tăng giải thưởng, tạo ra những giá trị gia tăng nhằm thu hút khán giả đến sân xem bóng đá nữ.

Trước những ý kiến góp ý xen lẫn chỉ trích, một chuyên gia trong làng bóng đá nữ đã bộc bạch rằng: "Ai chẳng muốn tốt, nhưng cái khó bó cái khôn". Cái khó ở đây chính là việc, tất cả các đội bóng đá nữ hiện nay đều hoạt động nhờ sự bao cấp của ngân sách. Họ chỉ có vài tỷ đồng để chi cho hoạt động, ăn ở, di chuyển và thi đấu. Việc tổ chức thi đấu sân nhà - sân khách có thể khiến họ phải chi khoản tiền rất lớn và chẳng biết có thể lấy từ đâu. Nhiều đội bóng than phiền rằng, việc có đủ tiền hoạt động với mức cầm chừng đã là sự cố gắng lớn thì nói gì đến việc nâng tầm chuyên nghiệp như bóng đá nam.

Có rất nhiều cái khó đang khiến bóng đá nữ Việt Nam bao năm không thể thay đổi. Đơn giản như việc chọn một địa phương chấp nhận đăng cai giải VĐQG nữ đã khiến VFF không khỏi đau đầu. Các địa phương đăng cai và chấp nhận bỏ tiền bởi Ban tổ chức giải không thể hỗ trợ nhiều về kinh phí. Và thế là sau sự hào hứng ban đầu, các địa phương thường có xu hướng thoái thác nếu không bị "ép đăng cai".

Bóng đá nữ được nhiều người thương, hoặc chí ít là nói thương trên các diễn đàn, mạng xã hội. Nhưng, một lãnh đạo đội bóng đã phải chua chát tâm sự: “Chúng tôi cần những hành động thực tế. Mời khán giả, các nhà quản lý đến sân xem bóng đá để các nhà tài trợ không bỏ đi sau khi chứng kiến những khán đài trống vắng!”.