Bóng đá thời công nghệ cao

Tuấn Khang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - World Cup 2018 đang trải qua những trận đấu khốc liệt, hấp dẫn. Nhưng bên cạnh những pha bóng hay, bàn thắng đẹp thì người hâm mộ không khỏi lăn tăn về việc FIFA áp dụng công nghệ cao trong các trận đấu.

Còn nhớ tại World Cup 2014, lần đầu tiên FIFA áp dụng công nghệ Goal-line vào các trận đấu để xác định bóng đã lăn qua vạch vôi cầu môn hay chưa. Sau Goal-line, FIFA tiếp tục đưa VAR (công nghệ xem lại video) để phân định các tình huống phạm lỗi, chạm tay vào bóng ở vòng 16m50 vào các trận đấu ở World Cup 2018.
 Trọng tài tham khảo video về một tình huống gây tranh cãi.
Hệ thống này bắt đầu được áp dụng thử nghiệm lần đầu ở giải hạng nhì Mỹ trong trận đấu giữa New York Red Bulls II và Orlando City B. Sau khi áp dụng ở Mỹ, cả UEFA và FIFA đã thử nghiệm ở các giải đấu khác nhau như chung kết FIFA Club World Cup 2016 hay các trận giao hữu của các ĐTQG mới đây. Với VAR, sau một tình huống nhạy cảm mà trọng tài chưa kịp quan sát, hệ thống sẽ gửi dữ liệu cho người điều khiển trận đấu chỉ sau 15 giây với hình ảnh quay chậm sắc nét. Theo thống kê, trong kể từ đầu World Cup 2018, trọng tài đã 9 lần thổi phạt đền, trong số này có 4 lần nhờ công nghệ VAR hỗ trợ (các trận Pháp 2 - 1 Australia, Croatia 2 - 0 Nigeria, Peru 0 - 1 Đan Mạch, Thụy Điển 1 - 0 Hàn Quốc). Cũng nhờ có VAR, trọng tài đã đưa ra quyết định tước một số bàn thắng không hợp lệ. Công nghệ VAR đã và đang hỗ trợ đắc lực trọng tài trong các quyết định thổi penalty, hay xác định việt vị với độ chính xác cao trong các tình huống khó, nhạy cảm diễn ra trong chớp nhoáng, qua đó góp phần đảm bảo tính công bằng cho trận đấu. Tuy nhiên, cũng nhờ sự chính xác của công nghệ VAR nên thành thử nhiều người có cảm giác bóng đá bây giờ quá máy móc nên cảm xúc đặc biệt dành cho môn thể thao Vua ngày càng nhạt phai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần