Bóng đá và ám ảnh khủng bố

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trận đấu giữa giữa Dortmund và Monaco trong khuôn khổ tứ kết Champions League đã phải hoãn lại bởi lý do khủng bố. Xe buýt chở đội chủ nhà đã bị tấn công bởi thiết bị nổ điều khiển từ xa và đã có cầu thủ bị thương. Một lần nữa, các sự kiện bóng đá lại là mục tiêu của khủng bố.

Bom nổ, cầu thủ bị thương

Chỉ ít giờ trước khi trận đấu giữa Dortmund và Monaco diễn ra, có 3 thiết bị đã được kích nổ ngay trước mặt xe buýt của Dortmund. Địa điểm xảy ra vụ việc nằm không xa khách sạn nơi Dortmund đóng quân, khu vực Hochsten, cách sân Signal Iduna Park nơi diễn ra trận đấu khoảng 10km. Loại chất nổ và địa điểm đặt chất nổ vẫn đang được cảnh sát điều tra. Đã có ít nhất hai người phải nhập viện trong đó có một cầu thủ là trung vệ Marc Bartra do anh ngồi gần cửa số bị vỡ. Vết thương của cầu thủ này không quá nghiêm trọng và ngay lập tức, Ban tổ chức trận đấu đã thống nhất với UEFA hoãn trận đấu dù tất cả đã sẵn sàng. Các cổ động viên được kêu gọi không đến hoặc di tản khỏi sân vận động Signal Iduna Park. Lực lượng an ninh được tăng cường mức tối đa và rất mừng là sau đó, mọi việc đã được kiểm soát.
 Xe cứu hỏa và xe cứu thương đã tiếp cận hiện trường.

Vụ tấn công này được cho là một hành động khủng bố và cơ quan điều tra đang nhanh chóng vào cuộc để tìm ra những kẻ chủ mưu. Và một lần nữa các sự kiện bóng đá ở châu Âu trở thành mục tiêu tấn công của các lực lượng khủng bộ. Cách đây chưa lâu, vào ngày 14/11, tại sân vận động Stade de France huyền thoại đã diễn ra trận đấu giao hữu giữa hai ông lớn của châu Âu là Pháp và Đức. Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị cho EURO 2016 vốn được tổ chức tại nước Pháp. Trước khi trận đấu diễn ra, đội tuyển Đức đã nhận được lời đe dọa khủng bố. Thế nhưng, thảm họa chỉ thực sự diễn ra khi trận đấu bắt đầu. Những kẻ khủng bố đã kích hoạt bom khiến ít nhất 5 người thiệt mạng dù lực lượng an ninh đã can thiệp kịp thời. Ở thời điểm đó, đích thân Tổng thống Pháp Francois Hollande và các quan chức ngoại giao Đức cũng có mặt trên sân vận động Stade de France.

Mục tiêu lý tưởng

Vì sao khủng bố thường chọn các hoạt động thể thao làm mục tiêu tấn công? Từ cuộc khủng bố tại các sân vận động tại Pháp, Đức đến cuộc chạy marathon tại Mỹ cách đây không lâu đều cho thấy toan tính của những kẻ chủ mưu. Các hoạt động thể thao thương có sự hiện diện của rất đông người cũng như giới truyền thông. Tấn công vào những nơi này sẽ tạo ra sự hỗn loạn dẫn đến thiệt hại lớn về con người. Đó cũng là cách để những kẻ khủng bố tạo ra tiếng vang cho cuộc tấn công của mình.

Còn nhớ, tại Stade de France ngày 14/11, Tổng thống Pháp và giới chức an ninh đã đứng trước hai lựa chọn: một là sơ tán những người có mặt trên sân, hai là giữ kín thông tin về cuộc tấn công để chờ lực lượng an ninh vãn hồi tình hình. Nếu sơ tán hàng chục ngàn người trong bối cảnh cuộc tấn công đang diễn ra sẽ tạo ra sự hỗn loạn, thậm chí là thảm họa. Cuối cùng, ông Francois Hollande đã có quyết định dũng cảm và chính xác là để trận đấu diễn ra trong bối cảnh toàn bộ Paris đang bị tấn công. Và thế là trận đấu kết thúc êm ả nhưng bên ngoài sân vận động đang diễn ra cuộc đấu súng giữa lực lượng an ninh và khủng bố ở nhiều địa điểm với tổn thất lớn về người.

Thể thao giờ là cái đích mà bọn khủng bố nhắm tới. Nói đâu xa, tại AFF Cup 2016, nước chủ nhà Myanmar đã phải gồng mình trước các cuộc tấn công tại cố đô Yangoon. Mặc dù các cuộc tấn công này không gây tổn thất về người nhưng nó lại tác động tiêu cực đến lượng cổ động viên của các nước đến cổ vũ bóng đá. Hàng loạt tour du lịch đã bị hủy bất chấp việc nước chủ nhà AFF Cup đã tăng cường tối đa về an ninh và cam kết bảo vệ an toàn cho các cổ động viên đến sân xem bóng đá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần