Bóng đá Việt: Đừng phủi sạch tất cả!

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau mỗi giải đấu, nhất là khi thành tích không được như mong muốn, bóng đá Việt Nam lại đối diện với cơn bão chỉ trích phải thay đổi.

Những cơn bão ấy đến từ đội ngũ “anh hùng bàn phím”, sẵn sàng cào bằng, bôi đen và phủ nhận tất cả chỉ với mục đích thay đổi hệ thống điều hành nền bóng đá mà không cần quân tâm đến việc điều gì sẽ xảy ra.

U22 Việt Nam thực chất chỉ là một đội bóng trẻ. SEA Games được tổ chức là nhằm giúp các đội tuyển quốc gia có sự chuẩn bị về nhân sự cho AFF Cup, sân chơi quan trọng nhất với mỗi nền bóng đá. Cũng vì điều này mà ở SEA Games không có giải thưởng cho nhà vô địch. Xác định là sân chơi trẻ nên AFF quy định các đội tuyển lấy lứa U23 tham dự. SEA Games 2017 độ tuổi dự SEA Games hạ tuổi tham dự xuống còn 22 và khả năng, kỳ đại hội tới sẽ dùng lứa U21.
Nhắc đến điều trên để thấy, AFF và các nước trong khu vực mặc định sân chơi SEA Games dành cho các cầu thủ trẻ, là cơ hội để tạo nguồn cho tương lai chứ không hẳn để so đọ sự mạnh - yếu của một nền bóng đá. Nhưng với bóng đá Việt Nam, do hơn nửa thế kỷ qua chưa một lần chúng ta vô địch nên khát vọng giành vàng SEA Games vô cùng lớn. Dư luận coi SEA Games quan trọng như AFF Cup và thắng lợi của đội bóng trẻ được coi là cơ sở để luận bàn sự thành bại của một nền bóng đá. Thậm chí, Phó Chủ tịch VFF, ông Đoàn Nguyên Đức đã đánh cược chiếc ghế của mình vào tấm HCV SEA Games.

Khi U22 Việt Nam thua cuộc, đã có một cú sốc lớn trong nền bóng đá. Cơn bão lập tức nổi lên và đòi hỏi phải có người phải chịu trách nhiệm với thất bại lịch sử của U22 Việt Nam dù rằng chưa bao giờ chúng ta thành công ở sân chơi này cả. Thì đấy, HLV Nguyễn Hữu Thắng, người đưa ông này lên là bầu Đức đã từ chức. Đây là điều được dự đoán từ trước bởi hai nhân vật này chơi canh bạc tất tay tại SEA Games 29. Bầu Đức vượt qua mọi giới hạn thông thường của một nhà quản lý bóng đá để đuổi việc HLV Miura và chọn người của mình nắm đội. HLV Hữu Thắng bất chấp những cảnh báo từ giới chuyên môn để xây dựng đội bóng theo cách của mình và đội bóng.

Vậy nhưng, dù đã có những người phải giá vì thất bại của U22 Việt Nam nhưng cơn bão từ dư luận còn muốn nhiều hơn nữa. Họ muốn thay đổi cả một hệ thống. Họ muốn tất cả những nhà lãnh đạo hiện tại của VFF phải từ chức để thay thế bằng một dàn nhân sự mới mà đến hiện tại vẫn chưa có ứng viên. Và thế là ngay cả những người hùng của bóng đá Việt Nam cũng bị yêu cầu phải từ chức. Từ người hùng đưa futsal Việt Nam đi World Cup, nhà tài trợ chính cho bóng đá nữ, bóng đá trẻ Trần Anh Tú đến “người đàn ông đơn độc” ở VFF là Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn cũng yêu cầu phải ra đi. Họ bị yêu cầu phải nhận trách nhiệm dù tất cả đều biết, họ đã làm hết sức để U22 Việt Nam được chăm sóc và tập huấn với điều kiện tốt nhất ở trong cũng như ngoài nước.

Đám đông trong cơn thất vọng rất dễ bị dẫn dắt bởi nhà đạo diễn tài ba. Nhưng, xã hội đầy tính phản biện hiểu rằng, bóng đá Việt Nam không chỉ có đội tuyển U22 và dù có muốn phủi sạch, bôi đen thì tất cả đều biết chúng ta còn một tấm HCV bóng đá nữ, một tấm HCB, một HCĐ futsal tại SEA Games, rồi U15 vô địch AFF Cup, U20 lần đầu tiên trong lịch sử dự World Cup. Thế nên, có muốn cào bằng tất cả thì giới chuyên môn và truyền thông với tinh thần phản biện của mình vẫn có thể chỉ ra bức tranh toàn cảnh về bóng đá Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần