Bóng đá Việt nó thế!

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hơn 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp mà người ta vẫn phải chứng kiến một mùa giải mà phút cuối, các ngoại binh xoay như đèn cù. CLB này thải, CLB khác đón, khen-chê loạn xạ lên.

Việc VFF và VPF cho phép các CLB có thêm 2 vòng đấu để thử chân giò ngoại binh, về bản chất là giúp các ông chủ tiết kiệm hầu bao nhưng lại khiến cho cầu thủ lao đao.
Ai bảo vệ cầu thủ?
Cầu thủ ngoại nào đen đủi bị gạt ra rìa vào giờ chót mà không kiếm được CLB thì thất nghiệp ít nhất 5 tháng. Hiện sân cỏ Việt Nam không có Hiệp hội cầu thủ nên không có ai đứng ra bảo vệ người lao động (cầu thủ) và mặc cho số phận xoay vần.
Trong đó ngoại binh người Đức gốc Kosovo đã thi đấu cho 3 CLB V.League nên cũng đầy kinh nghiệm và được cho là tỉnh táo khi quyết định từ chối ra sân cho Nam Định ở vòng 2. Năng lực đã được chứng minh, thể lực đảm bảo nhưng không thấy Nam Định chìa ra bản hợp đồng dài hạn thế là anh ta “dở chứng” không chịu tập luyện, thi đấu.
 Felipe Martins đã rời SLNA chỉ sau 2 trận đấu. Ảnh SLFC

Thoạt nhìn thì đáng trách, nhưng xem kỹ vấn đề thì thấy anh ta khá cáo già và am hiểu sân cỏ Việt. Ngoại binh Gramoz Kurtaj thừa biết, rời sân Thiên Trường là có đội khác rước ngay nên không cần mạo hiểm đến sân Lạch Tray, sân xấu, đối thủ thì đá rát mà lỡ bị chấn thương thì ngoài 2 từ “thank you” là “goodbye” ngay tắp lự.
 Nhiều người chê bai tính thiếu chuyên nghiệp nhưng có lẽ 99% cầu thủ đều chọn phương án an toàn này. Ở nước ngoài thì sau khi đánh giá đúng năng lực cầu thủ HLV trưởng sẽ ngồi lại với cầu thủ trả lời thẳng thắn yes/no về bản hợp đồng sắp ký. Chậm chân là mất người ngay!
Một cuộc chơi mà các CLB luôn nắm đằng cán, cầu thủ nắm đằng lưỡi dao. Chỉ cần gặp rủi ro chấn thương nặng mà không có bảo hiểm thì coi như sự nghiệp dễ vứt luôn. Cái gốc của vấn đề là có nên tồn tại hợp đồng thử việc chả giống ai cho sân chơi chuyên nghiệp hay không thì giành cho các luật sư của VFF. Ngoài ra, bản hợp đồng 2 năm dành cho các cầu thủ trẻ cũng là sản phẩm riêng của bóng đá Việt, nên phải sau 23 tuổi họ mới có thể rời đội, chậm hơn các nước khác.
 CLB TP.HCM  có ngoại binh thứ 4 Junior Barros đến từ Nhật Bản nên người ra đi là trung vệ Diakite. Ảnh CLB TP.HCM
Bình cũ, rượu cũng cũ
Cái lạ của các CLB V.League bình thường thì tập luyện cả tháng trời chả ai quyết ký hay không hợp đồng với các ngoại binh. Nhưng đến giờ G, chả cần thử việc thì các CLB cũng nhanh tay cũng ký, theo kiểu “may hơn khôn” nên mới việc tiền đạo Konan Oussou, chân sút vốn được đồn là về B.BD mới đây lại cập bến sân Thiên Trường. Vì sao HLV Văn Sỹ lại quyết định như thế thì chịu, có điều cũng khó mà trách các ngoại binh ngày càng “khôn lỏi” khi chơi bóng ở Việt Nam.
Chia tay Nam Định, Gramoz ngay lập tức đã có xe đón để trực chỉ về Thanh Hóa, đội bóng cũ tại mùa giải 2019 trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa. Nếu ai không cập nhật liên tục tình hình sẽ ngạc nhiên khi mới thấy trên truyền hình Gramoz lại mặc áo vàng để chống lại chính Nam Định, đội bóng vừa giúp anh tỏa sáng ở vòng 1. Kể cũng hài!
Trong khi Thanh Hóa chê Chevaughn Walsh thì Hồng Lĩnh Hà Tĩnh lại nhanh chóng rước anh về để thay thế “chân gỗ” Claudecir theo kiểu “méo mó” có hơn không. HLV Minh Đức cũng chả còn sự lựa chọn nào khác trước khi đến sân Hòa Xuân đá trận “sinh tử” đầu mùa giải. Đây cũng là phương châm mà SLNA hợp đồng theo trận với Felipe Martins, người vừa ghi bàn ở trận đấu gặp HAGL.Cái lạ là Felipe Martins đã từng rời SLNA cuối mùa bóng năm ngoái để đến Nam Định, nhưng cũng bị bơ vơ và HLV Quang Trường đưa anh về Vinh chỉ để thay Bruno bị chấn thương 2 trận.
 Cũ người mới ta, Hà Tĩnh lấy Chevaughn Walsh sau khi vừa bị Thanh Hóa sa thải. Ảnh CLB

CLB Than Quảng Ninh vừa có quyết định chia tay tân binh Patrick Leonardo để ký hợp đồng với tiền đạo Diego Silva. So với Patrick Leonardo , cầu thủ cũng tới từ Brazil đã có 'thâm niên' chơi bóng ở Việt Nam từ 2016. Đầu năm 2020, Diego Silva trở lại Việt Nam gia nhập CLB Hải Phòng với bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Anh ra sân 15 trận tại V-League 2020 và có 5 bàn thắng. Phương án an toàn của tân HLV Hoàng Thọ.
Không chỉ mấy đội đang ngồi đáy bảng xếp hạng mới thay thế ngoại binh. Hải Phòng đang bay cao với 2 trận toàn thắng. Thế nhưng, đội bóng đất Cảng vẫn thay Diego, ngoại binh mới có 40 phút thi đấu tại vòng 2 bằng người cũ Mpande vừa hết thời hạn cách ly. Ngoại binh Mpande là một trong những trụ cột giúp Hải Phòng trụ hạng thành công tại V-League 2020. CLB TP.HCM cũng có ngoại binh thứ 4 Junior Barros đến từ Nhật Bản nên người ra đi là trung vệ Diakite, có điều anh ta phải ra đi vào phút 89. 
Bóng đá Việt nó thế, chuyên nghiệp như thế!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần